Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Ngọc Ánh - 10:39, 14/05/2024

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.

Trong những tháng đầu Xuân năm nay, nhiều du khách đi tham quan, vãn cảnh tại khu di tích danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) đã không khỏi bực bội, bức xúc trước cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của Ban Quản lý Quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn.
Thuyền đò chở khách tham quan, vãn cảnh suối Yến, chùa Hương trong những ngày đầu mùa Xuân Giáp Thìn.

Ám ảnh bến đò...

Câu chuyện về việc du khách đi tham quan, vãn cảnh tại khu di tích danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) bực bội, bức xúc trước cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của Ban Quản lý Quần thể di tích-danh thắng Hương Sơn, đặc biệt là trong những tháng đầu năm vẫn được phản ánh, thông tin nhiều trong cộng đồng 

Đó là việc du khách tham quan vãn cảnh chùa Hương đều phải mua 2 loại vé bắt buộc gồm: Vé tham quan di tích, danh thắng Hương Sơn mức 120.000/người/lượt và vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách (vé khứ hồi) gồm các tuyến: Tuyến Hương Tích: 120.000/người; Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người.

Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn mua vé đi cáp treo lên động Hương Tích với giá vé khứ hồi: Người lớn: 220.000 đồng, Trẻ em: 150.000 đồng. Vé đi một lượt: Người lớn: 150.000 đồng, Trẻ em: 100.000 đồng…Vé này không bắt buộc vì du khách có thể chọn cách đi bộ.

Tuy nhiên điều đáng nói là, tại phòng chờ đi cáp treo chùa Hương, lượng khách ùn ứ, đông nghịt nhưng Ban Quản lý vẫn tiếp tục bán vé cho du khách. Để rồi đoàn này nối tiếp đoàn kia đứng chờ 2-3 tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt mình được lên cabin. Không ít du khách đứng chờ quá mỏi mệt đã phải bỏ vé cáp treo để sang đường leo bộ hoặc nhượng lại vé cho người khác với giá chỉ còn 1/3 so với giá mua để quay ngược xuống núi. 

Bến đò tuyến Hương Tích có hàng trăm con đò đỗ san sát trên mặt nước khiến du khách phải tự di chuyển qua những con đò để tìm đường lên bờ
Bến đò tuyến Hương Tích có hàng trăm con đò đỗ san sát trên mặt nước khiến du khách phải tự di chuyển qua những con đò để tìm đường lên bờ (Ảnh Ngọc Ánh)

Trong những tháng đầu năm mới, lượng du khách đi lễ chùa và tham quan danh thắng Hương Sơn rất đông, nhưng ngay tại điểm bán vé đón khách vào tham quan thắng cảnh, di tích ở đầu bến Yến, Ban Quản lý không hề có một thông tin, thông báo nào về tình trạng quá tải, ùn ứ thuyền bè… tại điểm cuối bến và đường lên động Hương Tích.

Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng ngàn con đò ở điểm cuối bến tuyến Hương Tích khiến những lái đò đến sau không thể tìm được luồng để đưa khách lên bờ. Họ đành “trả khách” ở giữa bến. Vậy là từng đoàn du khách phải tự đu bám di chuyển bộ từ con đò này sang con đò khác để tìm đường lên bờ. Việc “trả khách” giữa bến như thế này rất nguy hiểm đối với người già và trẻ em, bởi những con đò tròng trành có thể lật úp bất cứ lúc nào…


Hàng ngàn du khách chen lấn, nhích từng bước một để đi lên động Hương Tích
Hàng ngàn du khách chen lấn, nhích từng bước một để đi lên động Hương Tích


Không chỉ ở chùa Hương, tại nhiều điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh khác trên cả nước vẫn còn tồn tại những điều “chưa ổn” khiến du khách bỏ tiền ra mua dịch vụ nhưng cảm thấy chưa hài lòng. Đó là tình trạng lạm thu phí tại nhiều điểm di tích, danh thắng nổi tiếng hiện nay, là dịch vụ thiếu chu đáo; là nạn chặt chém, chèn ép... vẫn còn diễn ra khá phổ biến. 

Ví dụ, tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), mặc dù du khách đã mua vé tham quan vịnh với giá 200.000 đến 250.000 đồng/lần/người (ban ngày) và 500.000 đến 750.000 đồng/lần/người (nghỉ đêm), nhưng họ vẫn phải nộp thêm 40.000 đồng tiền vé qua bến cảng. 

Chưa kể tại đây, tình trạng dồn khách, dừng ghé tại các điểm tham quan theo lối "chạy sô" chớp nhoáng, thậm chí bớt xén điểm tham quan diễn ra khá phổ biến, khiến nhiều người bức xức vì dịch vụ không tương xứng với giá vé đắt đỏ mà ban quản lý đã thu.

Phòng chờ tại cáp treo lên chùa Hương, hàng trăm du khách nhích từng bước để chờ đến lượt mình được vào cabin đi cáp treo
Phòng chờ phân luồng khách đi cáp treo lên chùa Hương, hàng trăm du khách nhích từng bước để chờ đến lượt mình được vào cabin đi cáp treo

Cần chuyên nghiệp hơn

Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa - du lịch, Việt Nam có tiềm năng du lịch phong phú, điều kiện tự nhiên đa dạng, nhiều địa điểm đẹp, độc đáo, trong đó có nhiều danh lam, thắng cảnh đã được bình chọn trong danh sách những địa điểm đẹp nhất thế giới, nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng... Đây là yếu tố thuận lợi để chúng ta phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là “du lịch bền vững”.

Tuy nhiên, mặc dù có những tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc chưa khai thác được tiềm năng sẵn có, đồng thời có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành. Trong đó, nổi cộm là tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá chưa cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam chậm đổi mới, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm...

Các sản phẩm du lịch mới chủ yếu khai thác các giá trị tài nguyên sẵn có, chưa có nhiều sản phẩm bổ trợ nhằm thu hút khách, kích thích nhu cầu chi tiêu của khách, tăng nguồn thu cho địa phương. Việc thiếu các sản phẩm bổ trợ cũng làm giảm nhu cầu đến, cũng như khả năng quay trở lại của khách du lịch.

Di tích Bạch Ðằng Giang (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) là một trong những điểm đến thân thiện của du khách với tiêu chí ""ba không": Không thu phí dịch vụ, không bán hàng quán và không rác thải.
Di tích Bạch Ðằng Giang (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) là một trong những điểm đến thân thiện của du khách với tiêu chí "ba không": Không thu phí dịch vụ, không bán hàng quán và không rác thải.

Tiến sỹ Trần Thị Việt Hoài, giảng viên Trường Đại học Nha Trang cho biết, là một “khách hàng tích cực” của du lịch nội địa Việt Nam, bà cùng gia đình đã đi tham quan trải nghiệm hầu hết các điểm du lịch tâm linh, di tích, thắng cảnh nổi tiếng ở trong nước. 

Theo bà Trần Thị Việt Hoài, thì hạn chế lớn nhất tại hầu hết các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam là đặt nặng về lợi ích kinh tế, thương mại trước mắt mà chưa tính đến những lợi ích lâu dài. Thay vì chạy theo doanh số, lợi nhuận, các đơn vị làm du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, áp dụng công nghệ số vào khâu phát hành vé, thu phí để tính toán lưu lượng khách đến trong ngày, trong tuần. Từ đó, điều tiết việc bán vé, thu phí thay vì bán vé tràn lan mà không cần biết dịch vụ cung ứng đủ để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách hay không? Chẳng hạn khi du khách đổ về quá đông thì có thể dừng việc phát hành vé hoặc ít nhất cũng có những dòng thông báo để du khách biết được tình trạng ùn ứ, quá tải… từ đó có thể có những lựa chọn khác.

Đối với các điểm đến du lịch tâm linh, cần quy hoạch khu vực nào được phép bán hàng, khu vực nào cần để “hè thông, đường thoáng” để du khách được thư thái, thả hồn với thiên nhiên khi tham quan, trải nghiệm. Tránh tình trạng quán hàng lấn chiếm đường đi, bán hàng rong chèo kéo khách mua hàng, lừa đảo, ép khách du lịch… gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự tại các điểm du lịch.

Đối với việc thu phí tại các điểm tham quan để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn là cần thiết và đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, để những chủ trương này được người dân và dư luận xã hội ủng hộ, việc vận dụng các quy định của pháp luật về hoạt động thu phí thuộc hoạt động văn hóa, du lịch cần hết sức linh hoạt, hợp lý, phù hợp văn hóa bản địa...

Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. mở cửa tự do đón khách thập phương.
Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Ngôi chùa này mở cửa tự do đón khách thập phương.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lâm Biền cũng cho rằng: "Việc thu phí nên ở một mức độ nhất định. Cái gì cũng nên dừng ở mức giới hạn cho phép. Bao giờ cũng thế, dưới giới hạn là còn mang tính đạo, còn trên giới hạn để dân kêu ca là phải xem lại, bởi lúc đó không còn mang tính chất truyền thống nữa".

Ngay cả việc có thu phí hay không tại các điểm tham quan cũng không nên áp dụng một cách cứng nhắc. Thực tế vẫn có nhiều di tích không áp dụng việc thu phí, nhưng hoạt động vẫn hiệu quả, được đông đảo người dân tìm đến. Đơn cử như di tích Bạch Ðằng Giang (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1962, là một trong những điểm đến thân thiện. 

Với tiêu chí "ba không": Không thu phí dịch vụ, không bán hàng quán và không rác thải. Du khách đến đây được phục vụ nước uống, sử dụng wifi miễn phí. Vào mùa lễ hội, dù tập trung rất đông người nhưng các hoạt động tại khu di tích vẫn diễn ra nền nếp, không có cảnh chen lấn xô đẩy gây mất an ninh trật tự hay xả rác bừa bãi. Các hoạt động tôn tạo, tu bổ, nâng cấp,... di tích đều lấy từ nguồn thu công đức. Nhiều di tích quốc gia đặc biệt khác như Chùa Bổ Ðà, Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cũng mở cửa tự do đón khách thập phương.

Thiết nghĩ, ngành Du lịch cần giúp các địa phương xác định rõ nếu muốn thu hút du khách tìm đến di tích, danh thắng phải tạo dựng được ấn tượng về một điểm đến hấp dẫn, biểu hiện ở các tiêu chí: cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, môi trường trong sạch, an ninh trật tự bảo đảm, người dân bản địa thân thiện, có ý thức giữ gìn giá trị của di tích, thắng cảnh, mức thu phí (nếu có) phải hợp lý...

Về phía du khách, cùng với việc mua vé tham quan như một đóng góp cần thiết để duy trì hoạt động của di tích, danh thắng,... cũng cần thay đổi tư duy, thói quen ứng xử. Thực tế đã cho thấy, hiệu quả của việc tham quan chỉ thật sự đạt được khi sau mỗi chuyến đi, du khách sẽ tăng thêm sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm, cũng như sự trân trọng và niềm tự hào đối với các di tích, di sản, danh thắng của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Điểm hẹn của hòa bình

Điểm hẹn của hòa bình

Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên vào tháng 7 tới. Với một vùng đất từng bị chia cắt và hứng chịu thảm họa bởi chiến tranh… thì đó sẽ mãi mãi là thông điệp đầy ý nghĩa về một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Lễ hội Vì hòa bình còn là một điểm hẹn của hòa bình; điểm đến của du lịch hòa bình.