Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Dự thảo Quy hoạch vùng Tây Nguyên: Tháo “điểm nghẽn” phát triển vùng Xanh – Hài hòa - Bền vững

Ngọc Thu - 07:55, 01/12/2023

Ngày 30/11, tại Tp. Pleuku (Gia Lai), Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong khu vực cùng các chuyên gia và nhà khoa học tham gia góp ý, đề xuất về dự thảo quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 tại Gia Lai
Quang cảnh hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 tại Gia Lai

Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Tuy nhiên, phát triển của vùng trong thời gian qua còn hạn chế về nhận thức vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới; chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng. Quy hoạch vùng được xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo Quy hoạch vùng Tây Nguyên đã đưa ra những đề xuất đột phá nhằm thay đổi tư duy phát triển vùng, tận dụng cơ hội và giải quyết các vấn đề cản trở. Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tận dụng văn hóa Tây Nguyên như một động lực cho sự phát triển và hội nhập của vùng. Đồng thời, phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình "3 cực - 3 tiểu vùng - 5 hành lang". Trong đó, 3 cực phát triển là Tp. Pleiku, Tp. Buôn Ma Thuột và Tp. Đà Lạt. 3 tiểu vùng bao gồm: Bắc Tây Nguyên (gồm có 2 tỉnh là Kon Tum và Gia Lai), Trung Tây Nguyên (gồm 1 tỉnh là Đắk Lắk), Nam Tây Nguyên (gồm có 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng). Còn 5 hành lang gồm 4 hành lang cao tốc và 1 hành lang cửa khẩu. Quy hoạch vùng Tây Nguyên hướng tới thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành của vùng theo lợi thế và vị thế để trở thành các cực tăng trưởng...

Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ hai có ý nghĩa quan trọng của trong việc tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" phát triển của vùng; hướng đến mục tiêu phát triển Xanh - Hài hoà - Bền vững.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn góp ý cho Dự thảo Quy hoạch vùng Tây Nguyên tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn góp ý cho Dự thảo Quy hoạch vùng Tây Nguyên tại Hội nghị

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, qua nghiên cứu tổng thể báo cáo các nội dung chính của Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cần thêm một số tuyến giao thông mới ngoài 6 tuyến cao tốc đã quy hoạch và đang triển khai. Cụ thể, các tuyến giao thông mới bao gồm: cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi; cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y. Những tuyến này sẽ giúp vùng Tây Nguyên kết nối tốt hơn với các vùng lân cận và khu vực Quốc tế.

GS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Hiện nay Tây Nguyên đang cơ bản chỉ tận khai tài nguyên có sẵn chứ chưa tạo ra động lực phát triển mới và lợi thế mới. Tây Nguyên cần phát triển theo chuỗi, chứ không nên phát triển theo nhóm ngành, tách hướng phát triển thành các ngành. Ngoài ra, Tây Nguyên là vùng đông DTTS và chính sách phát triển nên phải ưu tiên để giúp cho Tây Nguyên phát triển.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên tham dự hội nghị đã có những đóng góp cho bản dự thảo. Các ý kiến góp ý xoay quanh nội dung liên quan đến việc đẩy nhanh thực hiện các dự án cao tốc, thực hiện nghị quyết số 326 của Thủ tướng chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia (2021 - 2023), giải quyết các khó khăn do quy hoạch chồng lấn lên nhau. Đồng thời, thống nhất về mô hình "3 tiểu vùng - 3 cực tăng trưởng - 5 hành lang kinh tế" cho vùng Tây Nguyên. Theo đó, cần bổ sung, làm rõ thêm về các hành lang kinh tế, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng nhằm khắc phục những "điểm nghẽn", tạo động lực cho phát triển vùng Tây Nguyên....

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong vùng, cũng như sự góp sức chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, Quy hoạch vùng Tây Nguyên với tư duy, tầm nhìn mới, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới sẽ sớm đi vào cuộc sống, là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư và góp phần giúp cho vùng Tây Nguyên sẽ có những bước phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng để thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.