Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Dựa vào dân để giữ yên biên giới

Nguyễn Thanh - 05:16, 01/12/2023

Không chỉ “ba cùng, bốn bám”, những người lính biên phòng Nghệ An luôn mặc định trong tâm khảm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các DTTS là anh em ruột thịt”. Có lẽ vì thế mà, “quân với dân như cá với nước”, mối quan hệ, gắn bó càng trở nên mật thiết và khăng khít để thế trận lòng dân được giữ vững, an ninh biên giới được tăng cường và củng cố.

Những nẻo đường tuần tra của những người lính Biên phòng Nghệ An
Những nẻo đường tuần tra của những người lính Biên phòng Nghệ An

Những “cột mốc sống” vùng phên dậu

Đồn biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) quản lý, bảo vệ hơn 6,5km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, 4 mốc quốc giới (từ mốc 459 đến mốc 462). Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, phát huy vai trò “tai mắt” của Nhân dân trong cung cấp thông tin, tố giác tội phạm.

 Nằm trong mục tiêu này, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn đã đề xuất, xây dựng nhiều tủ sách tại trường học và trụ sở của UBND xã với hàng chục ngăn sách và ô sách pháp luật, nông, lâm nghiệp. Đồng thời, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 2 tổ tuyên truyền phổ biến GDPL tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống ma túy…; xây dựng củng cố 1 trung đội dân quân, 3 tổ an ninh tự quản đường biên, cột mốc, 12 tổ an ninh tự quản thôn, bản, 3 thôn an toàn về ANTT; thành lập 2 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 1 mô hình “Tự quản, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy cho biết: Ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân, trách nhiệm bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh biên giới cũng đã được nâng cao hơn. Từ đó, đã có hàng chục nguồn tin có giá trị, cung cấp, phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm khu vực biên giới.

Đồn Biên phòng Mỹ Lý ở xã biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn, có đường biên giới đất liền dài 46,28 km, thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới càng trở nên nặng nề hơn. Đây là nơi sinh sống của 3 dân tộc là Thái, Mông, Khơ mú, với tổng dân số 1.214 hộ/5.586 khẩu trên địa hình hiểm trở, phức tạp về tội phạm ma túy, xuất, nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới…

 Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Hỗ trợ cùng người dân xã Nậm Giải huyện biên giới Quế Phong làm đường giao thông
Cán bộ chiến sĩ biên phòng cùng người dân xã Nậm Giải, huyện biên giới Quế Phong làm đường giao thông

Trung tá Hoàng Thế Tài, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, Đồn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xây dựng quy chế, thành lập tổ tự quản đường biên, cột mốc phù hợp với điều kiện cụ thể. Hiện đã duy trì, củng cố 25 tổ an ninh, trật tự thôn, bản; 3 tổ và 5 hộ gia đình tự nguyện đăng ký tự quản đường biên, cột mốc, xây dựng mô hình “Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới” với 3 tổ/12 cá nhân tham gia.

Điều rất đáng quan tâm, từ những tổ, câu lạc bộ… mà các đồn Biên phòng thành lập với mục đích tham gia, hỗ trợ trong công tác đảm bảm an ninh trật tự, an toàn biên giới Quốc gia… mỗi người dân đã thực sự là những “cột mốc sống” vững vàng nơi biên ải. Cũng nhờ vậy mà, tuyến đường biên giới trên bộ dài 468,281 km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay), với 5 thành phần dân tộc sinh sống (Kinh, Thái, Mông, Khơ mú, Thổ) ngày càng được đảm bảo an toàn.

Hiện nay, rên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An đang có 88 tập thể, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản 468,281km đường biên giới; 105 mốc quốc giới; 944 tổ/17.810 cá nhân tự quản an ninh, trật tự xóm, bản. 

Những năm qua, các tập thể và cá nhân tự quản đã tích cực tham gia cùng BĐBP và các lực lượng thường xuyên tuần tra biên giới 200 đợt/1.767 lượt người tham gia; phát hiện, xử lý 191 vụ/ 371 đối tượng, vi phạm quy chế biên giới, vượt biên, xuất nhập cảnh trái pháp luật.

DĐBP Môn Sơn đóng chân ở huyện Con Cuông trò chuyện cùng người dân Đan Lai
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Môn Sơn, huyện Con Cuông luôn bám sát cơ sở, tìm hiểu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời có giải pháp giúp đỡ đồng bào Đan Lai

Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh chia sẻ: Với tinh thần “Mỗi người dân là một cột mốc sống”, các tổ tự quản, đặc biệt là các tập thể, hộ gia đình, các cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở các khu vực sát biên giới hoặc có mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Do đó, các vụ việc phức tạp trên biên giới đã sớm được giải quyết; góp phần giữ vững chủ quyền, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

“Bốn cùng” với cơ sở

Cùng với đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, BĐBP Nghệ An đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai đề án “Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã, khối, xóm, thôn, bản khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 – 2026”. Song song với điều này, BĐBP đã lựa chọn, giới thiệu 6 cán bộ BĐBP tỉnh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện biên giới; triển khai 27 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, 73 đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời về các chi bộ thôn, bản; phân công 579 đảng viên phụ trách 2.671 hộ gia đình khu vực biên giới.

Đây chính là một trong những giải pháp để thực hiện “ba cùng, bốn bám” với bà con dân bản khu vực đồn đóng quân và quản lý. Từ đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời và đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, duy trì nền nếp sinh hoạt và củng cố kiện toàn các tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh… 

Chỉ tính riêng trong năm 2022, đội ngũ này đã tham mưu và giúp các địa phương củng cố, kiện toàn 172 chi bộ, 93 tổ chức chính trị, xã hội khác; tham mưu địa phương kết nạp 69 đảng viên mới.

Một buổi sinh hoạt phụ nữ với pháp luật tại xã biên giới Thanh Thủy huyện Thanh Chương
Một buổi sinh hoạt phụ nữ với pháp luật tại xã biên giới Thanh Thủy, huyện Thanh Chương

“Ba cùng, bốn bám” cùng bà con dân bản chính là cơ hội, điều kiện để đội ngũ đảng viên biên phòng quan tâm giúp dân phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo bằng các mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

 Được cán bộ biên phòng giúp đỡ xây dựng mô hình kinh tế chăn nuôi dê, chị Vi Thị Dung, ở bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn, huyện biên giới Tương Dương rưng rưng: "Các chú bộ đội Biên phòng đã tận tình giúp gia đình tôi làm chuồng trại, hỗ trợ con giống, bày dạy cách chăn nuôi dê, vệ sinh khu vực nuôi nhốt… nhờ vậy dê giống phát triển tốt. Tôi rất vui vì từ đây gia đình sẽ có cơ hội thoát nghèo".

Còn với hộ ông Và Chứ Rùa, ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cũng vậy. Ông Rùa từng là hộ nghèo của xã, đã được Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông Rùa bộc bạch: Nhà tôi có 1ha ruộng bậc thang trồng lúa nhưng năng suất thấp. Các đồng chí biên phòng đã hướng dẫn gia đình sản xuất giống lúa mới, đưa từ dưới xuôi lên. Họ bày cho tôi ngâm ủ giống, làm đất, gieo mạ… Cái này khác cách làm người Mông nhưng rất hiệu quả.

Những hoạt động thiết thực vì dân của các đảng viên quân hàm xanh đã góp phần thắt chặt thêm tình quân-dân, củng cố thế trận lòng dân nơi biên giới thêm vững chắc. Bởi hơn ai hết, những người lính biên cương hiểu rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo dựng được “biên giới lòng dân”, lòng dân yên thì biên giới sẽ ổn định, chủ quyền lãnh thổ sẽ được giữ vững.