Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đúc chiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng

PV - 16:43, 27/03/2019

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Cà phê lần thứ 7 năm 2019 vừa diễn ra tại Đăk Lăk, lần đầu tiên Nhân dân và du khách trong, ngoài nước được thưởng thức một màn tái hiện quy trình đúc cồng chiêng dân tộc Ê-đê của các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phước Kiều, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt các nghệ nhân Phước Kiều còn có khả năng “gọi tiếng nhập chiêng”, để chỉnh chiêng chuẩn phù hợp với âm sắc của từng đối tượng khách hàng.

Chiêng mới đúc ra lò. Chiêng mới đúc ra lò.

Làng nghề 400 năm

Làng đúc đồng Phước Kiều có từ đầu thế kỷ 17, đến nay đã ngoài 400 tuổi. Làng nghề đang được xem là trung tâm sản xuất cồng chiêng, thanh la, chuông và nhạc cụ dân tộc của các tỉnh phía Nam. Nghệ nhân, thợ đúc đồng làng Phước Kiều đã từng tạo ra nhiều sản phẩm kỷ lục là: đúc 2 khẩu súng thần công mừng Lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2010; chiếc đồng hồ nước khổng lồ bằng đồng nặng 500kg; chiếc nồi lư nặng 1,5 tấn và chiếc chuông lớn nhất nặng hơn 2 tấn.

Riêng đồng bào khu vực Tây Nguyên vẫn thường tìm đến làng đặt nghệ nhân làm cồng chiêng. Hiện, Phước Kiều đã trở thành làng đúc cồng chiêng độc quyền cho các tỉnh Tây Nguyên và Tây duyên hải, miền Trung. Tính đến nay, làng đã đúc được hơn 4.000 bộ chiêng các loại cho đồng bào DTTS Tây Nguyên như Ê-đê, Ba Na, Jrai, Xơ-đăng, M,nông, Mạ, Cơ-ho…

Theo các nghệ nhân làng Phước Kiều, để đúc được cồng chiêng thường trải qua 10 bước cơ bản. Đầu tiên là làm khuôn trong và khuôn ngoài từ các nguyên liệu đất sét, trấu, đất thịt. Tiếp đó, người thợ phải pha chế hợp kim gồm đồng, thiếc, kẽm, rồi nấu cho hợp kim chảy loãng rồi đổ hợp kim đang nóng chảy vào khuôn. Hợp kim sau khi đổ vào khuôn đã tinh đặc, tháo khuôn ra sẽ được phôi cồng chiêng. Khi sản phẩm nguội người nghệ nhân phải gia công, làm sạch, đánh bóng, bôi hóa chất, so âm, thẩm âm cho phù hợp với thang âm cồng chiêng của từng dân tộc thì bộ cồng chiêng hoàn chỉnh.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Cồng chiêng không chỉ là di sản quý báu mà còn là vật linh thiêng bản sắc văn hóa riêng của dân tộc người Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk thì, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên nói chung và trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk nói riêng chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng và chưa có hộ gia đình, doanh nghiệp nào đứng ra mở cơ sở nghề, truyền nghề đúc chiêng. Việc trình diễn đúc cồng chiêng tại Lễ hội Cà phê lần thứ 7 năm 2019 vừa qua sẽ góp phần tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá đến Nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt là về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa lịch sử của những bộ chiêng quý đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Âm thanh Tây Nguyên

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng là báu vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình, là bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng. Cồng chiêng không chỉ thể hiện tiếng nói, tâm tư, tình cảm của mình mà cồng chiêng còn là vật thiêng để con người giao tiếp với thần linh. Giá trị của cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà nó còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng, chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Ngày nay, cồng chiêng còn trở thành sứ giả văn hóa kết nối du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất đỏ bazan huyền thoại.

Nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, làng Phước Kiều cho biết, ở làng Phước Kiều có nhiều cửa hàng trưng bày hàng trăm chiếc cồng chiêng kích thước khác nhau. Đúc một chiếc chiêng về kỹ thuật không quá khó, nhưng việc “gọi tiếng nhập chiêng” lại là cả vấn đề. Phải làm cho chiêng phát ra âm sắc ấm, ngân vang và êm êm.

Nghệ nhân làng Phước Kiều có tài thẩm âm, tìm được điểm gò chỉnh tiếng hợp với từng đối tượng khách hàng. Như người ở vùng A Sao, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế hay người vùng Giằng ở Quảng Nam thường ưa chuộng chiêng có hai giọng; người Trà My lại thích chiêng có một giọng nhưng vang to, ngân nga nhỏ dần. Người Kinh thì thích chiêng có âm sắc ấm áp và ngân dài. Tiếng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngân vang, âm sắc rộn rã độc đáo của núi rừng…

“Yêu cầu của khách hàng về âm sắc chiêng luôn luôn được các nghệ nhân làng Phước Kiều thực hiện đúng chuẩn nên tháng nào bà con các tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên và Thừa Thiên-Huế cũng tìm về đây mua cồng chiêng. Thậm chí, nhiều người ở xa còn ở lại chờ làm xong lấy luôn. Đặc biệt, trước mùa lễ hội, chiêng ở đây làm ra đều bán hết”, nghệ nhân Tiển nói.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…