Sau những căn chòi tạm…
Trong cơn mưa chiều dai dẳng, Trạm Y tế xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ít người đến thăm khám hơn. Thế nên chúng tôi có nhiều thời gian để chuyện trò với Trạm trưởng- bác sĩ Cao Xuân Tiêm.
Cởi bỏ chiếc Blouse trắng, Tiêm khoe: Một sản phụ vừa được cán bộ trạm đỡ đẻ thành công. Mẹ tròn con vuông đấy. Họ đang ở kia, dưới phòng hậu sản.
Vừa lúc ấy, tiếng oa oa của đứa trẻ vang lên. Tôi đọc được trong mắt Tiêm, anh như đang vui lây với người mẹ. Nhưng rồi, Tiêm lại trầm tư, tránh ánh nhìn của tôi khi anh hướng mặt ra khoảnh sân con trước trạm phập phồng những bong bóng mưa.
“Mỗi năm ở đây cũng có đến hơn vài chục trường hợp tự ở nhà sinh con; tự xoay xở một mình để vượt cạn. Đa phần các trường hợp này đều ở các bản xa như K-Ai, Ôốc, Tà Rà, Ba Loóc”, anh Tiêm kể.
Dân Hóa và những bản giáp ranh của xã Trọng Hóa, là địa bàn vùng biên huyện Minh Hóa - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt, dân tộc Bru - Vân Kiều. Vì nhiều lí do như Trạm Y tế ở xa, đời sống khó khăn không có tiền thuê mượn xe chở đến trạm, nhận thức chưa đầy đủ,... nhiều phụ nữ nơi đây vẫn còn được người thân, gia đình dựng cho một chòi tạm ở góc vườn hay mé rừng để tự sinh con.
Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi anh Tiêm chia sẻ rằng, anh nhận việc ở đây từ năm 2016 và đã chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ tự sinh con ở nhà. Năm nào cũng có vài ba chục trường hợp tự sinh con ở nhà.
Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, ông Đoàn Phúc Hạnh, cũng không hề dấu diếm: Năm 2020, toàn xã có 86 trẻ được sinh ra, thì có đến 30 cháu được sinh tại nhà; quý 1 năm 2021 toàn xã có 27 cháu mới sinh thì cũng đã có 13 trường hợp được sinh tại gia.
Trong số hàng trăm trường hợp tự sinh con tại nhà, khi gặp biến chứng nguy hiểm, người thân mới vội vàng “cầu cứu” cán bộ y tế xã. Và chúng tôi thật đau lòng trước những trường hợp thật đáng thương mà Tiêm thông tin: chị Hồ Thị T. (có chồng là Hồ Bông) ở bản K – Ai, tự ở nhà sinh được 5 người con, thì chỉ một cháu khỏe mạnh, một cháu bị tai biến và ba cháu đã không giữ được. Chị Hồ Thị T., ở bản K – Oóc, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) tự ở nhà sinh được 10 người con, nhưng chỉ còn 4 cháu…
Chúng tôi còn được nghe kể lại một tập tục đáng buồn ở vùng đất này. Sau khi vượt cạn một mình ở chòi tạm, người phụ nữ phải chờ đủ thời gian nhất định rồi mới làm lễ “rửa bẩn” trước khi được đón vào nhà.
Tảo hôn, đời sống khó khăn cùng với tập tục ấy, đã khiến nhiều phụ nữ sinh con một mình ngoài chòi riêng, mà không được chăm sóc sức khỏe sinh sản chu đáo nên những tai biến sản khoa là điều khó tránh. Cũng có người kể lại, nhiều năm trước, có trường hợp người mẹ khi vượt cạn chẳng may không qua khỏi, đứa trẻ bắt buộc phải đi theo cùng mẹ.
Những cuộc gọi giữa đêm tối
Bất kể ngày hay đêm, thậm chí là cắt rừng, vượt lũ…, những y, bác sĩ trạm y tế xã Dân Hóa hiện là những bà đỡ "di động" nơi đại ngàn cho bà con người Chứt, Bru - Vân Kiều.
Sản phụ Hồ Thị Lan ở bản Tà Rà xã Dân Hóa chuyển dạ từ mờ sáng ngày 18/10/2020, khi cơn mưa rừng ập đến từ tối hôm trước biến vùng đất Tà Rà thành ốc đảo. Chồng chị Lan hốt hoảng gọi điện cho Trạm y tế với tâm trạng bất an, lo lắng.
Có một thứ luôn được cán bộ Trạm kiểm tra hàng ngày và luôn trong tư thế sẵn sàng là bộ đồ nghề và thuốc men phục vụ cho việc hộ sinh, đỡ đẻ. Chỉ cần nhận được thông tin có sản phụ đang chuyển dạ ở nhà là chúng tôi lập tức lên đường.
Bác sỹ Cao Xuân TiêmTrạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Hóa
Khi nhận điện thoại đến khi xuất phát, Bác sĩ Cao Xuân Tiêm cùng điều dưỡng Hồ Kinh mất chưa đầy 5 phút. Sau 2 giờ vượt dòng lũ dữ nơi thượng nguồn sông Gianh, bấm chân trên những con dốc trơn trượt… cán bộ của Trạm Y tế mới đến được nhà sản phụ Hồ Thị Lan. Và cuộc vượt cạn tại nhà của Lan đã “mẹ tròn con vuông”.
Mới đây, đêm 9/3/2021, Hồ Thị Phai (19 tuổi) ở bản Ôốc chuyển dạ, sinh con đầu lòng. Do có con lần đầu, chị Phai không tính được thời gian sinh của mình. Chỉ đến khi sản phụ Phai vỡ ối, người bắt đầu kiệt sức, thì gia đình mới gọi điện đến trạm, lúc đó đã 12 giờ đêm.
Trực ở Trạm y tế xã Dân Hóa lúc này bác sỹ Hồ Văn Khăm và nữ hộ sinh Đinh Thị Mai. Không đắn đo, 2 cán bộ Trạm Y tế chỉ kịp cầm lấy hộp đồ nghề rồi băng rừng, lội suối đến ngay bản Ôốc. Lúc này Phai đang trong tình trạng nguy hiểm. Thật may mắn, khi bế đứa bé gái khóc oa oa trên tay, biết ca đỡ đẻ đã thành công, người nhà Phai đã vỡ òa trong hạnh phúc; lắc lắc đôi tay của cán bộ trạm y tế mà chẳng thốt nên lời.
Trước thực tế này, bằng rất nhiều cách từ tuyên truyền, vận động… của cán bộ Trạm Y tế, của chính quyền địa phương, bà con người Chứt, Bru - Vân Kiều nơi đây đã dần thay đổi nhận thức, tự tìm đến cơ sở y tế để “vượt cạn” cho an toàn. Những cuộc tuyên truyền ấy được lấy ví dụ thực tế từ chính những ca đỡ đẻ tại nhà của cán bộ trạm y tế.
Dẫu thế, để thay đổi tập quán, nhận thức… trong một thời gian ngắn là điều không dễ dàng. Chưa kể, đời sống khó khăn, người dân không có điều kiện để đến các cơ sở y tế cũng là nguyên nhân khiến những bà đỡ di động đau đầu.
Chúng tôi rời Dân Hóa khi trời đã xẩm tối, bỏ lại sau lưng một niềm riêng chung đau đáu. Dẫu rằng, số lượng sản phụ đến Trạm Y tế để sinh nở tăng lên qua từng năm, là tín hiệu rất đáng mừng, biểu hiện cho sự thay đổi dần nhận thức; thể hiện cho niềm tin mà đồng bào Bru Vân Kiều, Chứt dành cho cán bộ trạm y tế…; Nhưng hình ảnh những căn chòi tạm mà người nhà dựng lên để người phụ nữ tự vượt cạn vẫn cứ mãi ám ảnh tôi suốt cả quãng đường rừng khi ra về...