Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Minh Hóa (Quảng Bình): Nhà nội trú tiền tỉ xây xong rồi bỏ hoang ?

Khánh Ngân - 10:00, 12/04/2021

Sau hơn 10 năm xây dựng, công trình nhà nội trú cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn chưa thể bàn giao và đưa vào sử dụng, trong khi học sinh vẫn phải đi ở trọ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư khởi công công trình khi chưa làm xong khâu giải phóng mặt bằng.

Ngôi nhà nội trú 2 tầng, 20 phòng nội trú đã hoàn thiện khang trang nhưng bỏ không gây lãng phí
Ngôi nhà nội trú 2 tầng, 20 phòng ở đã hoàn thiện khang trang nhưng không sử dụng, gây lãng phí

Vướng mắc giải phóng mặt bằng

Công trình nhà nội trú cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở xã Dân Hóa, được khởi công xây dựng từ năm 2010, với số vốn 3,5 tỷ đồng, do UBND xã Dân Hóa làm chủ đầu tư. Công trình được thiết kế hai tầng, 20 phòng ở nội trú cho học sinh của trường. 

Nhưng thi công được một thời gian, công trình mới hoàn thành được phần móng, trụ và xây được khoảng 1/2 tường của tầng một, thì phải dừng lại. Nguyên nhân là, do gia đình bà Nguyễn Thị Bố, một hộ dân bị thu hồi đất để xây trường học không chịu bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất với chính quyền địa phương về việc cấp đất ở mới. Sau đó, công trình này đã "đắp chiếu" một thời gian dài.

Trước nhu cầu cấp thiết phải có nhà nội trú cho các em học sinh ở xa, năm 2016, UBND xã Dân Hóa lại tiếp tục được đầu tư thêm 5 tỷ đồng để hoàn thiện nhà nội trú. Đến 2017 công trình được triển khai xây dựng trở lại, hoàn thành vào cuối 2019. 

Thế nhưng, nhà xây xong, khang trang sạch đẹp, nhưng vẫn chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng vẫn do vướng mắc với hộ dân Nguyễn Thị Bố. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa có 544 em học sinh, chia thành 5 điểm trường. Trong đó, tại điểm chính, nơi có nhà nội trú là 373 em. Học sinh ở đây đa phần là con em đồng bào DTTS số, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là đi lại, có những bản xuống trường gần 20km, cách khe, cách suối. Do đó, cao điểm có khoảng 60 em học sinh phải ở trọ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều em đi học không chuyên cần.

Cần nhanh chóng tháo gỡ

Trao đổi vấn đề vướng mắc khiến cho công trình xây xong không thể bàn giao cho Nhà trường, ông Đoàn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, cho biết: Khi xây dựng công trình, có diện tích đất và nhà của bà Nguyễn Thị Bố nằm trong khuôn viên (ngay trước dãy nhà nội trú). Chính quyền địa phương cũng đã vận động gia đình bà Bố di dời, đồng thời đền bù cho gia đình chuyển đến một vị trí ở khác. 

Tuy nhiên, sau khi triển khai đã phát sinh tình huống, diện tích đất chính quyền cấp đền bù đất cho bà Bố, đang được một hộ dân sử dụng lâu năm (hiện người này không sống ở địa phương). Theo đó, hộ này yêu cầu gia đình bà Bố đền bù cây trồng lâu năm trên diện tích đất này. Để tránh xung đột nên gia đình bà Bố đã yêu cầu chính quyền giải quyết, thì mới bàn giao mặt bằng cho xã. 

" Về việc này, UBND huyện Minh Hóa cũng đã nhiều lần chỉ đạo chúng tôi giải quyết dứt điểm, thế nhưng xã chưa thể giải quyết được, vì xã không có kinh phí, cũng như không có cơ sở để xử lý đền bù này. Do đó, công trình nhà nội trú đã hoàn thành, nhưng vẫn chưa thể bàn giao, đưa vào sử dụng", Chủ tịch xã cho biết thêm.

Nguyên nhân đã rõ, vậy mà  vì một chút vướng mắc mà bao năm nay, công trình nhà nội trú đầu tư tiền tỷ xây xong vẫn bỏ không, trong khi các em học sinh DTTS  tiếp tục phải đi ở trọ. Chẳng nhẽ, lãnh đạo huyện Minh Hoá, các cơ quan chức năng, các tổ chức  ở huyện Minh Hóa lại 'bó tay", không tìm ra được giải pháp để giải quyết dứt điểm sự việc này?!...

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.