Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhọc nhằn vùng đất thượng nguồn Sông Gianh

Khánh Ngân - 11:10, 01/04/2021

Nằm dọc theo quốc lộ 12A, giáp ranh cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo nhộn nhịp, cùng những chính sách hỗ trợ vùng 30a… nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để Dân Hóa - vùng đất thượng nguồn sông Gianh khởi sắc. Những ngôi nhà gỗ trống hơ trống hoắc nép mình bên dãy Trường Sơn sừng sững như một nốt trầm buồn!

Tảo hôn, sinh nhiều con là thực tế tồn tại ở Dân Hóa
Tảo hôn, sinh nhiều con vẫn đang tồn tại ở Dân Hóa

Trăn trở Dân Hóa.

Chúng tôi về Dân Hóa vào một ngày cuối tháng 3, tiết trời mát mẻ, trong lành. Từng dải mây trắng vẫn ôm lấy ngọn núi Cô Pi, nơi mà người Mày (dân tộc Chứt) vẫn quen gọi là nơi Trời- Đất gặp nhau. 

Uốn lượn phía dưới là khe nước Rụng, nơi khởi nguồn của dòng sông Gianh đi vào lịch sử. Phóng tầm mắt ra xa, những bản làng thấp thoáng, nép mình bên những sườn đồi, dọc theo khe suối. Đó là những bản làng của đồng bào Chứt, Bru Vân Kiều… thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Trải qua quãng đường 180km, từ TP. Đồng Hới theo quốc lộ 1A hướng Bắc, rồi rẽ vào quốc lộ 12A hướng Tây thẳng tiến lên đến đỉnh đèo Mụ Giạ. Đây cũng là điểm cuối về phía Tây của xã vùng núi rẻo cao Dân Hóa. 

Những tên làng, tên bản như Ba loóc, Y Leng, Ka Ai, Ôốc, K- Reng… rất đỗi thân quen với đồng bào các dân tộc Chứt, Tày, Bru Vân Kiều…. ở Dân Hóa. Nhưng thật lạ lẫm và nhọc nhằn phát âm khi lần đầu tiên đặt chân đến đây, nhọc nhằn như những con đường quanh co, dốc thẳm dẫn vào bản.

Dân Hóa là xã miền núi rẻo cao nằm ở phía tây của huyện 30a Minh Hóa. Xã có diện tích tự nhiên lớn, có quốc lộ 12a đi qua; có cửa khẩu Cha Lo - cửa khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước trên tuyến biên giới Việt- Lào. Có đất đai màu mỡ, cộng thêm những  chính sách đầu tư cho vùng 30a... 

Đó là lợi thế để bà con Dân Hóa giao thương, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng để nâng cao nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.Thế nhưng, Dân Hóa vẫn đang là một nốt trầm buồnvới gần 80%  hộ nghèo, 6,3% hộ cận nghèo.

Từng nhóm dân cư sống biệt lập khiến cho việc xây dựng nông thôn mới ở Dân Hóa gặp rất nhiều khó khăn
Từng nhóm dân cư sống biệt lập khiến cho việc xây dựng nông thôn mới ở Dân Hóa gặp rất nhiều khó khăn

Nhấp xong chén rượu, tiếp bạn xa đến thăm vừa xong, ông Hồ Thao ở bản K- Định lại nhấp ly nước, ngồi thả mình bên hiên nhà sàn trống huơ trống hoắc trầm ngâm: “Nhà ta là hộ nghèo từ lâu lắm rồi, không biết làm chi hết, đất trồng keo thì ít, lúa nương thì mất mùa”. 

Những câu chuyện tưởng chừng rất đỗi xa xưa vẫn hiện hữu ở Dân Hóa. Chỉ riêng trong năm 2020, có tới mười cặp đôi tảo hôn. Và cả câu chuyện “đi học chưa cần”, làm các chú bộ đội Biên phòng phải lặn lội cả đêm đi vận động… Cái vòng luẩn quẩn, tảo hôn, thất học, nghèo đói chưa biết đến bao giờ mới hết đeo bám lấy vùng đất thượng nguồn Sông Gianh này.

Chưa phát huy nội lực

Trong khi đó, nhiều địa phương khác có điều kiện địa lý tương đồng với Dân Hóa, chẳng hạn như, ở xã Sơn Kim 1 của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (cũng là một xã miền núi rẻo cao, có đường 8, có của khẩu Cầu Treo…), nhưng đời sống người dân nơi đây đã đổi thay nhanh chóng, xã đã về đích nông thôn mới. 

Hay như ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cũng có quốc lộ 7 đi qua, có cửa khẩu Nậm Cắn, nơi sinh sống của đồng bào Mông, Thái… Người dân ở đây đã xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo, cho thu nhập cao, đời sống kinh tế, xã hội đã bước sang một trang mới.

Tác giả trò chuyện cùng ông Hồ Xong ở bản Y Leng
Tác giả trò chuyện cùng ông Hồ Xong ở bản Y Leng

Quốc lộ 12a phẳng lỳ, xe cộ tấp nập chạy ngược xuôi, cửa khẩu Cha Lo tấp nập nhưng dường như chưa thể thay đổi vùng thượng nguồn Sông Gianh thơ mộng.

Vẫn là lối sản xuất tự cung tự cấp, chưa tận dụng hết diện tích đất sản xuất. Tết đến và mùa giáp hạt là hàng chục tấn gạo lại được đưa lên, cấp phát hỗ trợ, cứu đói. Dạo quanh chợ phiên ở bản Y Leng, được xây dựng khang trang đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Thế nhưng, cũng thật buồn khi chỉ có mấy mớ rau rừng, vài bó măng đắng.

Dù đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Hồ Xong ở bản Y Leng vẫn rắn chắc như cây lim, cây sến trong rừng già. Đang ngồi bên cầu thang sơ sài lên ngôi nhà sàn làm bằng gỗ xiêu vẹo, nhìn mông lung về phía con suối. 

Ông nói như thầm thì “bà (vợ ông- pv) đi làm cỏ sắn rồi, tôi thì ở nhà thôi. Nhà tôi là hộ nghèo mà, nghèo từ lúc nào thì tôi không nhớ”.

Cũng giống như những người dân trong bản, cuộc sống vợ chồng ông chỉ quẩn quanh bên lúa nương, sắn và đi lấy lộc rừng. Cái nghèo, cái đói cứ vận lấy gia đình. Các con của ông cũng vậy, dựng vợ gả chồng từ lâu lắm rồi. Ông có 3 người con, thì cả 3 cũng chỉ ở quây quần trong bản, trong xã. Cái vòng xoay ấy dường như chưa muốn dừng lại, nó vẫn tiếp diễn, không biết đến đời cháu ông, rồi chúng nó sẽ ra sao.

Ông Đoàn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa trăn trở: “Đời sống bà con ở đây còn nghèo lắm, Tết và mùa giáp hạt vừa rồi chúng tôi đã cấp phát tổng cộng hơn 45 tấn gạo cho Nhân dân. Cũng đã vận động, hướng dẫn nhiều rồi, nhưng bà con vẫn chưa thay đổi, chưa tích cực lao động sản xuất, chưa tận dụng hết tiềm năng, thế mạnh vườn đồi để vươn lên thoát nghèo cho chính mình”.

Tuột theo con dốc Cổng Trời và nhiều con dốc không tên để về xuôi. Dọc quốc lộ 12a, tiếp giáp với Dân Hóa là xã Trọng Hóa, cũng thuộc huyện Minh Hóa. Trọng Hóa cũng đã thay da đổi thịt, lòng càng thấy trĩu nặng về cuộc sống  của người dân ở Dân Hóa.

Tin cùng chuyên mục
Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Điều đặc biệt ở Môn Sơn

Đã nhiều lần về với Môn Sơn (Con Cuông) để ghé thăm nhà cụ Vi Văn Khang- một địa chỉ đỏ nơi miền Tây xứ Nghệ, thăm người Đan Lai ngủ ngồi trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, thăm những bản làng người Thái hay lam hay làm bên dòng sông Giăng thơ mộng… Mỗi lần mỗi khác, nhưng cảm nhận về sự đổi thay, bứt phá nơi đây thì ngày càng đậm nét.