Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đừng để tinh thần thiện nguyện bị lãng phí

Thúy Hồng - 16:47, 16/09/2024

Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc nước ta. Trong bão lũ, những câu chuyện ấm tình người xuất hiện khắp mọi nơi trên mọi miền đất nước. Đó là những người dân thức xuyên đêm gói bánh chưng, làm cơm nắm muối vừng… Hàng ngàn tấn hàng cứu trợ đã được chuyển đến vùng lũ các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang…. Tinh thần tương trợ và giúp đỡ đồng bào là điều rất quý báu, là tình cảm rất đáng trân trọng, song cứu trợ sao cho hiệu quả, an toàn, làm thế nào để hàng cứu trợ đến được đúng người, đúng đối tượng lại là câu chuyện đáng suy ngẫm.

Một số đoàn từ thiện đi làm từ thiện chỉ mang đến giao cho chính quyền địa phương, chụp ảnh, đăng lên đã trao. Việc này dẫn đến hàng hóa cứu trợ quá nhiều, chủ yếu là thực phẩm ăn nhanh nên rất nhanh hỏng, dẫn tới việc chỗ cần vẫn cần mà chỗ thừa vẫn cứ thừa
Một số đoàn từ thiện đi làm từ thiện chỉ mang đến giao cho chính quyền địa phương, chụp ảnh, đăng lên đã trao. Việc này dẫn đến hàng hóa cứu trợ quá nhiều, chủ yếu là thực phẩm ăn nhanh nên rất nhanh hỏng, dẫn tới việc chỗ cần vẫn cần mà chỗ thừa vẫn cứ thừa

Trong những ngày gần đây, trên báo chí truyền thông, mạng xã hội chia sẻ, lan tỏa nhiều hình ảnh người dân cùng nhau gói bánh chưng, làm ruốc, nấu cơm, quyên góp nước, mỳ tôm, quần áo… để tiếp tế cho đồng bào vùng lũ. Thế nhưng, trong tình hình bão lũ phức tạp, việc bảo quản các thực phẩm vận chuyển đến tận tay bà con vùng bão như thế nào, làm sao để đảm bảo an toàn, thực sự giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này khiến nhiều người băn khoăn. Hoạt động cứu trợ tự phát, thiếu kinh nghiệm có thể gây ra nhiều rủi ro.

Vừa qua, sáng 10/9 tại TP. Yên Bái một đoàn cứu trợ đã bị lật thuyền trong lúc tiếp tế hàng hóa cho người dân vùng lũ khiến một người thiệt mạng và một người bị thương. Đây là câu chuyện thực sự đau lòng.

Khi đi cứu trợ ở vùng lũ, hầu hết các nhà hảo tâm và nhóm thiện nguyện đều không được trang bị thiết bị bảo hộ đầy đủ từ áo phao, dây thừng, thiết bị định vị và phương tiện giao thông chuyên dụng, các kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp trong môi trường bão lũ... Trong bão lũ, dòng nước có thể cuốn trôi người và phương tiện chỉ trong vài giây. Chỉ cần một quyết định sai lầm khi vượt qua dòng nước chảy mạnh, nguy cơ tử vong là rất lớn.

Lực lượng chức năng mang hàng cứu trợ cho đồng bào bị ngập lụt tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn do ảnh hưởng của cơn bão số 3
Lực lượng chức năng mang hàng cứu trợ cho đồng bào bị ngập lụt tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn do ảnh hưởng của cơn bão số 3

Theo chia sẻ của chuyên gia về phòng chống thiên tai - Nguyễn Văn Tâm, việc cứu trợ đồng bào trong bối cảnh thiên tai, như bão lũ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các vùng bị bão lũ tàn phá không chỉ có đường đi hiểm trở mà còn có nguy cơ sạt lở đất, nước dâng cao đột ngột và tình trạng ngập lụt kéo dài. Những người không có đủ kỹ năng và trang thiết bị cần thiết, rất dễ gặp nguy hiểm cho chính bản thân mình và có thể làm phức tạp thêm quá trình cứu hộ của các lực lượng chuyên nghiệp.

Các khu vực bị bão lũ thường có nguy cơ sạt lở đất, đường đi ngập lụt và khó xác định. Nếu không có sự hiểu biết về địa hình và tình trạng hiện tại, người cứu trợ, có thể bị lạc hoặc rơi vào những khu vực nguy hiểm, dễ gặp tai nạn. Các hoạt động tự phát không có kế hoạch rõ ràng; hoặc không tuân theo chỉ đạo của chính quyền địa phương và lực lượng cứu hộ có thể làm phức tạp thêm tình hình. Việc đông người đổ về vùng lũ, trong khi hệ thống giao thông đã bị tê liệt, sẽ gây thêm gánh nặng cho công tác cứu hộ.

Bên cạnh đó, nhiều đoàn cứu trợ mang quá nhiều thực phẩm, đồ dùng không phù hợp lên vùng lũ, trong khi điều kiện bảo quản, đun nấu không có, khiến các loại thực phẩm như bánh mì, bánh chưng… bị hỏng, gây lãng phí.

Theo chị Lê Hoài Hương, thành viên của một nhóm thiện nguyện cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Bắc, cho biết: nhóm đang phải gánh thêm trọng trách "cứu" đồ ủng hộ mà người dân gửi đến.

Bánh mì khi đến tay người dân thì đã bị hỏng, dính nước trong quá trình vận chuyển hoặc hết hạn sử dụng. Mì tôm thì người dân không thể nấu vì không có bếp và nước nóng.

Có nhiều đoàn cẩn thận hơn thì đóng gói các loại bánh chưng, bánh mì hút chân không để bảo quản trong quá trình vận chuyển, phân phát đến cho bà con vùng lũ, lụt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: việc tự chế biến, đóng gói thực phẩm và hút chân không không thể giúp kéo dài thêm thời gian bảo quản thực phẩm.

Thực phẩm vẫn có nguy cơ không đảm bảo an toàn do việc chế biến không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là ô nhiễm vi khuẩn yếm khí (vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường thiếu không khí), sinh độc tố gây ngộ độc cho người sử dụng.

Ngoài những nhóm thiện nguyện có kinh nghiệm, thì có một số đoàn từ thiện chỉ mang đến giao cho chính quyền địa phương, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội. Việc này dẫn đến hàng hóa cứu trợ quá nhiều, chủ yếu là thực phẩm ăn nhanh nên rất nhanh hỏng, dẫn tới việc chỗ cần vẫn cần mà chỗ thừa vẫn cứ thừa. Vì vậy, trước khi đi cứu trợ cũng cần phải tìm hiểu thông tin, kết nối với địa phương để đưa đồ cứu trợ đúng địa chỉ cần thiết.

Đã có hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe cứu trợ đến với đồng bào bị bão lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh internet
Đã có hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe cứu trợ đến với đồng bào bị bão lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh internet

Vấn đề cứu trợ bão lũ như thế nào để đạt hiệu quả, đúng cách không phải là vấn đề mới, thực tế này đã diễn ra rất nhiều trong những lần cứu trợ lũ lụt ở miền Trung. Đã có không ít câu chuyện cứu trợ bằng bánh chưng, bánh tét bị thiu hỏng bị vứt bỏ dọc đường cứu trợ...

Trong bão lũ, những nhu yếu phẩm thiết yếu như đồ ăn, nước uống là rất cần thiết cho bà con vùng lũ, nhưng cần phải chú ý bảo quản, thời gian vận chuyển để tránh thức ăn bị hỏng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với những đoàn cứu trợ ở xa vùng bão lũ, khi tổ chức đưa hàng cứu trợ đến ủng hộ đồng bào; cũng cần lựa chọn các loại hàng hóa thiết yếu, phù hợp với từng thời điểm, nhu cầu của bà con cần được giúp đỡ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để đảm bảo công tác cứu trợ đến đúng địa điểm, đúng đối tượng, các đoàn cứu trợ vùng lũ cần chú ý phối hợp với chính quyền địa phương. Bài học nhãn tiền, chúng ta có nhiều hàng hóa nhưng nó bị trùng lặp, chỗ cần thì không có, chỗ thì lại thừa. Cần chuyển đúng đối tượng, thiện nguyện cũng phải công khai, minh bạch, thể hiện tinh thần chia sẻ. 

Tinh thần tương trợ và giúp đỡ đồng bào là điều rất quý báu, rất đáng trân trọng và cần thiết. Tuy nhiên, cứu trợ cũng cần phải đúng cách, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các câu lạc bộ, hội nhóm thiện nguyện phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thông tin, địa chỉ cụ thể trước khi quyết định đi cứu giúp, hỗ trợ đồng bào vùng lũ.

Bởi nếu không đầy đủ thông tin, không nắm rõ tình hình ngập lụt thì không an toàn cho chính các đoàn cứu trợ. Thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu mắc kẹt ở khu vực ngập lũ, nguy cơ sạt lở núi, lũ ống, khiến các địa phương đang hoạn nạn phải đi cứu lại chính những đoàn cứu trợ. 

Đặc biệt, thời điểm hiện nay, sau cơn bão, vẫn có rất nhiều đoàn cứu trợ đến ủng hộ bà con. Song các nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện cần lựa chọn trợ giúp những vật dụng cần thiết như gạo, chăn, màn, thuốc men, tiền của… để tái thiết lại cuộc sống mới. 

Ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai là việc rất nên làm, nhưng cũng cần có cách làm phù hợp. Nếu không, rất có thể lòng hảo tâm của rất nhiều người sẽ bị lãng phí.