Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bữa cơm ấm áp ngày lũ của đồng bào Thái bản Vẽ

Thanh Hải - 8 giờ trước

Hàng trăm hộ dân người Thái ở bản Vẽ, xã Yên Na (Nghệ An) được sơ tán tránh lũ an toàn trong những căn phòng học cao tầng chắc chắn. Bữa ăn ngày tránh lũ có canh, thịt kho và xôi. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã lấp lánh tình người, sự sẻ chia, trách nhiệm của chính quyền địa phương với bà con dân bản.

Quyết định “lịch sử”

Đêm 22/7, bầu trời xã Yên Na, dưới chân đập thủy điện Bản Vẽ mưa trắng trời. Nằm dưới túi bom nước khổng lồ, người dân xã Yên Na chưa bao giờ yên khi nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về cộng dồn với nước mưa từ trên trời đổ xuống. Lại thêm, ngọn núi sát bản có dấu hiệu sạt trượt khi mưa lớn.

Chia canh theo khẩu phần trước khi chuyển đến cho người dân tạm trú chạy lũ - Ảnh: CTV
Chia canh theo khẩu phần trước khi chuyển đến cho người dân tạm trú chạy lũ - Ảnh: CTV

Thế rồi, sau những phân tích, phán đoán tình hình, chính quyền xã Yên Na đã đưa ra một quyết định dứt khoát: sơ tán 120 hộ dân với 550 nhân khẩu ở bản Vẽ lên các trường tiểu học và THCS của xã.

Lệnh sơ tán người dân bản Vẽ tránh lũ được thực hiện trước 23h đêm 22/7 - Ảnh: CTV
Lệnh sơ tán người dân bản Vẽ tránh lũ được thực hiện trước 23h đêm 22/7 - Ảnh: CTV

Lệnh sơ tán khẩn cấp được ban bố ra toàn bản và toàn xã. Ngay lập tức, các lực lượng quân đội, công an, các tổ chức chính trị tại xã và cán bộ nhân viên công ty thủy điện Bản Vẽ… tức tốc đến bản Vẽ hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản.

Một cuộc tháo chạy khỏi vùng lũ được thực hiện nhanh gọn, khẩn trương ngay trong đêm tối mịt mùng, trong những cơn mưa nặng hạt, trong tiếng gầm réo của mấy cửa xả nhà máy thủy điện bản Vẽ cách đó không xa.

Chính quyền xã Yên Na tập kết nhu yếu phẩm đảm bảo nơi ăn ở cho người dân sơ tán vì lũ - Ảnh: CTV
Chính quyền xã Yên Na tập kết nhu yếu phẩm đảm bảo nơi ăn ở cho người dân sơ tán vì lũ - Ảnh: CTV

Bà Vy Thị Bích Thủy-Bí thư Đảng ủy xã Yên Na kể lại: Hơn 21h đêm 22/7, xã nhận thấy mưa lớn, dự báo lượng nước về hồ chứa ngày một tăng với mức cao, Thường trực Đảng uỷ và Ban chỉ huy PCTT TKCN xã đã họp gấp và đưa ra quyết định di tản toàn bản Vẽ - một bản thấp, tách biệt bên sông, dưới chân đập thuỷ điện bản Vẽ, có nguy cơ ngập lũ, sạt lở và cô lập.

23h đêm 22/7, khi chuyến xe cuối cùng chở người dân và tài sản rời bản Vẽ đến vị trí tạm trú đã định sẵn, thì phía sau, con đường duy nhất qua bản bản Vẽ đã bắt đầu ngập. Sáng 23/7, nhìn vào bản Vẽ, chỉ là những nếp nhà lô nhô xen lẫn trong màu lũ nước bàng bạc đến quặn lòng.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Na Vy Thị Bích Thủy nắm bắt, động viên bà con đang tránh trú mưa lũ - Ảnh: CTV
Bí thư Đảng ủy xã Yên Na Vy Thị Bích Thủy trực tiếp kiểm tra tình hình, động viên bà con đang tránh trú mưa lũ - Ảnh: CTV

Ấm áp bữa cơm sơ tán

Những hộ dân sơ tán từ bản Vẽ, được chính quyền xã Yên Na bố trí nơi ở tạm tại các trường học trên địa bàn. Có chỗ ở chắc chắn, nỗi lo của chính quyền lại ập đến khi phải tiếp tục lo cho hàng trăm nhân khẩu bữa ăn thường nhật và nước sinh hoạt hàng ngày.

Bà Lương Thị Búa chia sẻ: Chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm, trách nhiệm kịp thời của cán bộ xã Yên Na. Bà con ai cũng vui vẻ. Trông nước rút mau mau để bản làng đỡ thiệt hại.

Ngoài canh, bữa ăn có cả thịt kho - Ảnh: CTV
Ngoài canh, bữa ăn có cả thịt kho - Ảnh: CTV

Do tạm trú tại các trường học, nên nguồn nước sinh hoạt được sử dụng từ hệ thống nước của nhà trường. Còn bữa ăn, bước đầu đang phải trích tạm kinh phí để lo cho dân.

Trưa 23/7, bữa cơm đầu tiên chạy lũ của bà con bản Vẽ đã diễn ra trong không khí ấm áp, yêu thương. Bữa ăn ngày tránh lũ có canh, thịt kho và xôi. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã lấp lánh tình người, sự sẻ chia, trách nhiệm của chính quyền địa phương với bà con dân bản.

Bữa cơm yêu thương mà chính quyền xã Yên Na dành tặng bà con bản Vẽ chạy lũ - Ảnh: CTV
Bữa cơm yêu thương mà chính quyền xã Yên Na dành tặng bà con bản Vẽ chạy lũ - Ảnh: CTV

Bà Vy Thị Thẩm (66 tuổi) tâm sự: Chúng tôi được xã di chuyển đến nơi ở an toàn, được lo bữa ăn ngon, no  nên rất yên tâm, phấn khởi. Giờ chỉ mong lũ rút để về lại bản làng thôi.

Còn bà Vy thị Bích Thủy-Bí thư Đảng ủy xã Yên Na thì nói thêm: Kinh phí để lo bữa ăn cho người dân được trích tạm từ nguồn dự phòng của xã. Trước mắt, địa phương sẽ không để bất cứ một người dân nào vì lũ lụt mà phải chịu đói khát, phải chịu lạnh, phải chịu cảnh không có chỗ ở an toàn…

Ấm áp nghĩa tình hơn khi chứng kiến những cán bộ xã thường ngày miệt mài bên máy tính, hồ sơ… thì nay lại miệt mài bên những bếp ăn dã chiến, tận tình lo từng bữa ăn cho mỗi người dân. Với họ, được lo cho dân cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ của một con người mang trọng trách là công bộc. 

Tin cùng chuyên mục
"Dạt dào vùng đất Cà Mau – 80 năm Quốc khánh, tự hào quê ta"

"Dạt dào vùng đất Cà Mau – 80 năm Quốc khánh, tự hào quê ta"

"Dạt dào vùng đất Cà Mau – 80 năm Quốc khánh, tự hào quê ta", là chủ đề tỉnh Cà Mau dự kiến tham gia Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2025), diễn ra từ ngày 28/8 đến 05/9/2025, tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia (Cổ Loa, Hà Nội).