Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Đừng đổ lỗi hết cho thiên tai!

Hà Anh - 17:42, 03/08/2024

Mỗi khi mùa mưa bão đến, tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… luôn trở thành nỗi ám ảnh tại các địa phương miền núi có địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh. Hằng năm, các loại hình thiên tai này luôn gây ra thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản người dân. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương quyết liệt, mỗi người dân có ý thức chấp hành cảnh báo từ cơ quan chức năng, chắc chắn con số thiệt hại trên sẽ không đến nỗi quá lớn.

Các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân đang bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại Bắc Mê, Hà Giang. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân đang bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại Bắc Mê, Hà Giang. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Mới đây, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, sạt lở do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay mặc dù công tác dự báo khá chính xác nhưng số người chết do thiên tai lại tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến tháng 7 thiên tai khiến 52 người chết. Nhưng cùng kỳ năm nay đã tăng lên 68 người chết.

Những con số trên cho thấy, dù đã có công tác dự báo, phòng ngừa tương đối chính xác nhưng vẫn không thể hạn chế được hậu quả thiệt hại về người sau mỗi đợt mưa lũ, trong đó có nhiều người là nạn nhân xấu số của các vụ sạt lở đất.

Tại cuộc họp này, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh sự cần thiết của việc chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng xung kích rà soát các vùng có nguy cơ cao, để kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn. Các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cần được bảo đảm an toàn thông tin và cảnh báo cho người dân, đặc biệt là vào ban đêm. Song, như vậy có lẽ là chưa đủ.

Nhìn lại thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, thiệt hại về người chủ yếu xảy ra do các vụ sạt lở đất. Gần đây nhất, vào khoảng 3 giờ 45 phút ngày 13/7 tại km 10 + 950, Quốc lộ 34 (đường Hà Giang đi Cao Bằng) thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã xảy ra một vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng, vùi lấp xe ô tô khách 16 chỗ biển kiểm soát 29E-024.89 khiến 11 người chết, 4 người bị thương.

Tiếp đó, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện mưa kéo dài. Rạng sáng 15/7, sạt lở đất đã xảy ra tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) làm nhà dân bị vùi lấp, 1 người thiệt mạng, 3 người may mắn thoát nạn…

Các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân đang bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại Bắc Mê, Hà Giang. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Hiện trường xảy ra vụ sạt lở khiến một người thiệt mạng tại xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) rạng sáng 15/7. Ảnh: TTXVN

Trước những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, nhiều năm trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động xây dựng và ban hành cho các huyện, thuộc các tỉnh thường xuyên bị ngập lụt, lốc xoáy, sạt lở đất, rét hại... một hệ thống bản đồ cảnh báo thiên tai. Bản đồ này có tỷ lệ 1/50.000. Dựa vào bản đồ này, cơ quan phòng chống lụt bão của các huyện lên kế hoạch triển khai cho các xã.

Bên cạnh đó, còn có một hệ thống bản đồ khác ở tuyến xã, mà theo website của Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, có 28 bản đồ ở các xã thuộc các huyện có nhiều nguy cơ thiên tai. Phần lớn các bản đồ này do các tổ chức quốc tế giúp đỡ xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế là hằng năm, số người chết vì thiên tai vẫn rất lớn. Vậy vấn đề đặt ra là, rõ ràng việc cảnh báo là cần thiết nhưng chưa đủ. Do đó bên cạnh giải pháp cảnh báo khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai trong điều kiện thời tiết cực đoan, ngành chức năng các địa phương cần có những biện pháp quyết liệt, đủ mạnh kèm theo nhằm ngăn chặn, cưỡng chế nếu người dân cố tình không chấp hành những chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm từ phía chính quyền địa phương.

Nói như ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tại cuộc họp ngày 15/7 vừa qua thì, tại sao từ đầu năm đến nay, số người chết cơ bản là do sạt lở? Vấn đề đặt ra là nhìn thấy khu vực có nguy cơ sạt lở rồi nhưng vấn đề tồn tại, nhất là công trình nhà ở cạnh khu vực sạt lở...?

Rõ ràng, trước khi đổ lỗi hết cho thiên tai, cần nhìn lại trách nhiệm từ cả hai phía cơ quan chức năng và người dân. Nói một cách đơn giản, nếu nhận thấy nguy hiểm thì phải cảnh báo, phải cấm, thậm chí phải cưỡng chế di dời… Trường hợp nếu cơ quan chức năng không kịp thời cảnh báo, hành động để xảy ra hậu quả đáng tiếc thậm chí còn phải bị xem xét, xử lý kỷ luật,… Còn về phía người dân cũng cần phải biết tự nâng cao ý thức tuân thủ cảnh báo từ chính quyền để bảo vệ an toàn tính mạng trước rủi ro thiên tai...

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.