Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Dược liệu tự nhiên quý hiếm-Mai này còn không?

PV - 09:31, 18/10/2018

Dù đã có một số cơ chế hỗ trợ để bảo tồn, phát triển nhưng nhiều loại cây thuốc quý vẫn dần biến mất. Ngoài nguyên nhân do khai thác theo kiểu “tận diệt”, tình trạng phá rừng chưa được ngăn chặn thì việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý vẫn đang thiếu một chính sách đầu tư, hỗ trợ mang tính đột phá.

Bài 1: Kho báu đang bị cạn kiệt

Từ chỗ có hơn 5 nghìn loài cây dược liệu có thể khai thác tự nhiên thì hiện cả nước chỉ còn khoảng 206 loài. Thậm chí, nhiều cây thuốc đã phải đưa vào Sách Đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng, một số loài giờ chỉ còn là dấu tích.

Nhiều dược liệu quý vào Sách Đỏ

Hoàng Liên Sơn-“nóc nhà Đông Dương” (giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, kéo dài đến tận phía Tây tỉnh Yên Bái) được xem là “vựa” dược liệu thực vật của nước ta với hàng nghìn loài cây thuốc mọc tự nhiên có giá trị. Khảo sát của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ tính trong phạm vi Vườn Quốc gia Hoàng Liên (trên diện tích 28.500,56ha thuộc địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu) đã có 754 loài dược liệu quý.

Ở các chợ phiên vùng cao, nhiều dược liệu quý được bán như thực phẩm hằng ngày. Ở các chợ phiên vùng cao, nhiều dược liệu quý được bán như thực phẩm hằng ngày.

Trong nhiều loài dược liệu ở Hoàng Liên Sơn thì cây hoàng liên thuộc diện đặc biệt quý hiếm; là vị thuốc không thể thiếu trong nhiều bài thuốc Nam. Sử dụng tự nhiên, cây hoàng liên như một loài kháng sinh tổng hợp; nếu đau bụng chỉ cần lấy đun nước hoặc giã lấy nước uống; đau mắt thì nhỏ bằng nhựa hoàng liên; mỗi khi xước sát chảy máu, người ta cũng cạo bột củ hoàng liên đắp vào là không sợ nhiễm trùng…

Đã một thời, cây hoàng liên mọc tự nhiên không khó tìm trên dãy Hoàng Liên Sơn. Có lẽ bởi vì có nhiều công dụng, lại mọc nhiều ở đây nên xưa kia dân gian lấy tên cây đặt cho tên núi.

Đó chỉ là giả thuyết, nhưng có một thực tế đang hiện hữu là cây hoàng liên tự nhiên hiện gần như đã biến mất khỏi dãy Hoàng Liên Sơn. Theo anh Lý Láo Lở, ở bản Tả Phìn, xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai)-khởi nghiệp từ bài thuốc tắm lá của người Dao, Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa (Sapanapro), người Dao vốn tinh thông bào chế thuốc Nam cũng như rất sành tìm kiếm các loài thuốc quý; nhưng nay cũng phải “đỏ mắt” mới tìm được cây hoàng liên tự nhiên.

Nhận định của anh Lở trùng khớp với kết quả khảo cứu của Viện Dược liệu. Từ năm 1995, khi cuốn “Sách Đỏ Việt Nam” được xuất bản, cây hoàng liên nằm ở phần đầu danh sách các cây thuốc cần bảo tồn khẩn cấp. Cùng với hoàng liên, nhiều cây thuốc quý như lan hài, lan kim tuyến, lan 1 lá, củ bình vôi, hoàng tinh,… cũng đã hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kết quả khảo sát của Viện Dược liệu cho thấy, đến nay cả nước đã ghi nhận được 5.117 loài thực vật có công dụng làm thuốc; Viện Dược liệu đã thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc từ cộng đồng các dân tộc. Tuy nhiên, các bài thuốc đang có nguy cơ không thể bào chế vì nhiều cây thuốc tự nhiên đã biến mất hoặc bị suy giảm chất lượng khi đem vào trồng đại trà. Theo thống kê, cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên.

“Chảy máu” dược liệu

Cây thuốc tự nhiên đang dần biến mất là thực tế đáng báo động; ngoài do vấn nạn phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng thì còn do việc khai thác tràn lan. Ở các địa bàn được cho là có tài nguyên dược liệu, người dân địa phương đua nhau vào rừng “đào tận gốc, trốc tận rễ” nhiều cây thuốc quý để bán cho thương lái.

Không chỉ ở những địa phương có đường giao thông thuận lợi mà cả những địa bàn cách trở, những ngõ ngách trong rừng cũng đã bị đào xới để tìm cây thuốc. Như ở các bản Tả Bốc, Lũng Thịnh của xã Lương Thông (Thông Nông, Cao Bằng) mới thông đường được hơn một năm nay để xe hai cầu chuyên dụng có thể leo vào. Vậy nhưng, từ nhiều năm nay, thương lái đã len lỏi vào Tả Bốc, Lũng Thịnh thu mua dược liệu.

Ngoài Cao Bằng, tại một số huyện vùng cao ở Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, An Giang... nhiều dược liệu quý hiếm bị người dân đua nhau khai thác. Hết mùa làm nương rẫy, bà con lại lên rừng tìm chặt cây thuốc đi bán; trẻ con hết buổi đi học, chiều về đi chăn trâu tranh thủ đi tìm cây thuốc để bán lấy tiền mua quần áo, sách vở.

Để tìm dược liệu, nhất là cây thuốc quý, người dân phải len lỏi vào rừng sâu. Như muốn tìm cây hoàng liên, chỉ có thể phát triển ở những khe núi ẩm thấp, không có ánh nắng mặt trời chiều rọi. Điều này có nghĩa, để tìm được cây hoàng liên thì công sức bỏ ra rất lớn, chưa kể kèm theo là một diện tích thảm thực vật bị cày xới.

Nhưng đổi lại, thu nhập của người “săn” dược liệu chẳng đáng là bao. Như chia sẻ của anh Vi Văn Hà, một người dân ở xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An), nếu may mắn thì có ngày tìm được từ 300-400kg dược liệu, nhập cho các thương lái, được 300-500 nghìn đồng. Vị chi, mỗi kg dược liệu anh chỉ được hơn 1.000 đồng.

Nguồn thu từ “săn” dược liệu thấp nhưng người dân vẫn tích cực “làm thêm”. Giá trị thực của dược liệu cũng không vào tay các thương lái khi cây thuốc được đem xuất lậu sang Trung Quốc. Theo ước tính mỗi năm có khoảng 500 nghìn tấn cây dược liệu bán sang Trung Quốc với giá chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100 giá trị thực tế.

Việc xuất lậu cây thuốc không chỉ làm suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc, mà còn khiến các doanh nghiệp dược liệu phải nhập khẩu nhiều loại cây vốn đã là thế mạnh của nước ta. Theo ước tính của Bộ Y tế, hằng năm nước ta tiêu thụ khoảng 60-80 nghìn tấn dược liệu; trong đó, lượng dược liệu nhập khẩu chiếm khoảng 80% (chủ yếu là từ Trung Quốc).

Trên thực tế, nguy cơ biến mất nhiều cây thuốc quý đã được nhìn nhận từ hàng chục năm nay. Từ năm 1988, Viện Dược liệu được giao nhiệm vụ đầu mối trong việc bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc ở Việt Nam; đến nay đã bảo tồn và lưu giữ được gần 1.000 loài cây dược liệu ở các vùng sinh thái khác nhau và hiện đang bảo tồn khoảng 1.531 nguồn gen.

Nhưng đây chỉ mới ở những diện bảo tồn; còn để phát triển, đưa dược liệu phát huy đúng giá trị thực tế, góp phần giảm nghèo, tăng giàu cho người dân ở những địa bàn có tài nguyên dược liệu thì cần có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.