Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin (B.Xa-đi-kin) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa các quy định y tế, cũng như trong vấn đề công nghệ; song khẳng định, cần tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch của mỗi nước. Indonesia cũng thúc đẩy thảo luận về việc thống nhất các quy định với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo đảm đi lại thông suốt giữa hai khu vực.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 giảm và chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo (N.Át-đô) tuyên bố, nước này mở lại biên giới; đồng thời dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng Covid-19. Theo đó, khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ có thể nhập cảnh Ghana mà không cần kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Ghana bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang; song vẫn khuyến khích tránh tụ tập đông người.
Thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, thông báo nối lại hoạt động làm việc và sản xuất như thông lệ; đồng thời nới lỏng biện pháp hạn chế ăn uống tại các địa điểm trong nhà. Người dân phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong 48 giờ mới có thể ra vào các khu dân cư, đến các địa điểm công cộng tại Thâm Quyến. Chính quyền thành phố tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tập trung đông người; kêu gọi người dân hạn chế rời thành phố trừ khi cần thiết.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch Hàn Quốc (KDCA) ngày 28/3 thông báo, số ca nhiễm Covid-19 mới hằng ngày tại nước này lần đầu tiên ở dưới ngưỡng 200 nghìn ca kể từ ngày 2/3. Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết, làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh và hiện chuyển sang xu hướng giảm; song kêu gọi duy trì cảnh giác vì số ca bệnh nặng và tử vong vẫn tăng cao khi đỉnh dịch đã qua.
Hawaii là bang cuối cùng của Mỹ dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và các quy định hạn chế đi lại. Hawaii cũng tạm dừng chương trình du lịch an toàn, trong đó yêu cầu du khách phải tự cách ly và cung cấp xác nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn và du lịch tại Hawaii bày tỏ hoan nghênh quyết định nới lỏng. Trong khi đó, nhiều người dân cho biết, tiếp tục đeo khẩu trang đến khi dịch Covid-19 được coi là bệnh đặc hữu.