Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Gam màu sáng trong bức tranh giáo dục vùng cao

Nguyễn Thanh - 14:54, 22/06/2021

Vượt qua những khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội… giáo dục vùng cao đang ngày càng chuyển mình mạnh mẽ. Bước chuyển ấy được gặt hái từ những chủ trương phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Đảng, nhà nước, được triển khai xuyên suốt nhiều năm qua…

Công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi ngày càng được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ (Ảnh TTXVN)
Công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi ngày càng được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ (Ảnh TTXVN)

Nhìn lại những “gam” màu xám

Một trong những yếu tố “níu chân” chất lượng giáo dục vùng cao, là điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn và khó khăn trăm bề. Những lớp học trống hoác; những điểm trường xiêu vẹo; tài liệu và học cụ chắp vá, phòng học chức năng thiếu và yếu; không điện thắp sáng, không mạng internet… càng làm cho sự học vùng cao thêm phần khó khăn.

Điểm trường Phia Khăm 1, thuộc trường tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1 xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có thể xem là điển hình cho sự thiếu thốn này. Thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện thắp sáng; hàng chục học sinh và giáo viên ngồi học trong những căn phòng… chờ sập. 

Thầy cô cắm lớp ở điểm trường Phia Khăm 1, dường như tỏ ra bất lực khi nói: "Chúng tôi không có cách gì hơn ngoài việc gia cố tạm bằng tre nứa vào dịp hè. Nhiều phòng học đang chực chờ sập xuống, còn giáo viên cứ đành chờ cấp trên quan tâm".

Trên những nẻo đường tác nghiệp, chúng tôi đã từng lặng người trước những đứa trẻ đến trường khi trong tay không có cây viết, tập vở; khi manh áo, tấm quần không được lành lặn; khi bữa sáng và thậm chí bữa trưa chỉ là những thứ có thể ăn được, được người thân lấy từ rừng về. 

Bà Hồ Thị Keo, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) từng kể với chúng tôi: nhiều cháu nhà nghèo lắm, áo quần chẳng đủ mặc đâu. Không có chỗ ở bán trú, bữa ăn trưa của nhiều học sinh là mì gói, củ sắn; còn bữa sáng thì phải nhịn.

Con đường đến trường của học sinh vùng cao, không chỉ là khó khăn của điều kiện kinh tế gia đình, không chỉ là nhận thức hạn chế của người thân, không chỉ là phong tục tập quán của vùng miền… mà còn là quãng đường rừng hàng km quanh co, trơn trượt.

Tất cả bấy nhiêu chưa thể nói hết, kể hết những khó khăn, vất vả của sự học vùng cao, nhưng cũng đủ để mỗi người mường tượng hết về chất lượng giáo dục nơi ấy đang ở  mức nào. Tỷ lệ huy động trẻ vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2011 - 2019 chỉ đạt 56,2% (cả nước đạt 88,5%); tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ chỉ đạt 11,8% (cả nước đạt 25,8%). 

Việc huy động học sinh rất khó khăn, kết quả huy động học sinh chưa vững chắc; tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi và hoàn thành cấp THCS vẫn chưa thật vững chắc… Và một điệp khúc đến hẹn lại lên mà tôi biết: “bắt trò” trở lại trường sau những kì nghỉ dài ngày.

Và sự chuyển mình

Trước những khó khăn, tồn tại ấy, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ưu tiên dành nguồn lực không nhỏ để kiện toàn chất trường lớp, đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy… nhằm phát triển giáo dục dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực này.

Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị Quyết 29-NQ/TW, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án, đề án cho giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS và miền núi. Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2019, tổng nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 462.791 tỷ đồng. 

Theo đó, tại những vùng DTTS và miền núi còn nhiều gian khó, nhiều ngôi trường mới đã được xây dựng khang trang, nhiều điểm trường lẻ đã được tu sửa bán kiên cố… đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học.

Tính đến năm 2020, tỷ lệ trường học kiên cố vùng miền núi và DTTS đã đạt hơn 91%. Đó là con số rất đáng mừng, khích lệ, động viên những người làm công tác giáo dục ở vùng khó. Bà con dân bản cũng vui hơn khi con em sẽ được học trong những phòng học kiên cố, đầy đủ trang thiết bị dạy học.

Ghi nhận tại Quảng Trị, bà Hồ Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, vui vẻ cho biết: Từ rất nhiều nguồn, điểm trường mầm non Trăng – Tà Puồng được xây dựng mới khang trang 2 phòng học, 2 nhà vệ sinh, 1 nhà bếp, 1 vườn rau… đưa vào sử dụng đầu 2021. Từ đây, chấm dứt những căn phòng tạm bợ, dột nát… luôn là nỗi lo khi mưa lũ về.

Vẫn còn đó những khó khăn về trường lớp tại vùng sâu, vùng xa trên cả nước (Trong ảnh: Một lớp học còn nhiều thiếu thốn tại huyện miền núi huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị)
Vẫn còn đó những khó khăn về trường lớp tại các địa phương vùng sâu, vùng xa (Trong ảnh: Một lớp học còn nhiều thiếu thốn tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị)

Cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị dạy học đảm bảo, là động lực để trẻ đến lớp nhiều hơn. Những chính sách hỗ trợ cho giáo dục vùng cao cũng đã từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào về việc học. Tỷ lệ huy động học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đến nay đã xấp xỉ 99%; tỷ lệ học sinh DTTS được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học năm 2019 là 96,66%. Năm 2018, có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1…

Cùng với đó, giáo dục vùng cao những năm qua không chỉ quan tâm hoạt động ngoại khóa, kĩ năng sống mà còn chú ý đến giảng dạy tiếng DTTS. Từ năm 2011 đến 2020, đã có 6 tiếng DTTS được giảng dạy chính thức trong trường phổ thông gồm Mông, Ê đê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer; thực hiện tại 22 tỉnh, thành phố với 756 trường, 5.267 lớp và 174.562 học sinh được học. Riêng tại một số huyện ở Nghệ An đã tổ chức dạy tiếng Thái ngoài giờ lên lớp…

Việc đưa tiếng DTTS vào giảng dạy song song với tiếng Việt, đã giúp học sinh đến trường không cảm thấy lạ lẫm, còn giáo viên cũng hiểu hơn về phong tục đồng bào; từ đó tạo được môi trường sự phạm thân thiện, sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh, giúp các em học sinh học tập hiệu quả hơn…

Với những sự đầu tư mạnh mẽ trên, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Trong thời gian qua, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy của hệ thống giáo dục vùng DTTS, miền núi cũng được đầu tư ngày một khang trang… Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.