Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gạo Bao Thai chợ Đồn: Niềm tự hào về sản phẩm OCOP của Bắc Kạn

PV - 15:04, 31/05/2019

Gạo Bao Thai Chợ Đồn là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Bắc Kạn, được đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2011. Giống lúa này được canh tác rộng rãi trên địa bàn huyện Chợ Đồn trong vụ mùa hằng năm, cho năng suất cao, hạt gạo trắng, thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng.

Gạo Bao Thai, sản phẩm OCOP của Bắc Kạn (Ảnh: Thu hoạch lúa Bao Thai ở xã Phương Viên). Gạo Bao Thai, sản phẩm OCOP của Bắc Kạn (Ảnh: Thu hoạch lúa Bao Thai ở xã Phương Viên).

Huyện Chợ Đồn được coi là vựa lúa lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Toàn huyện có khoảng 2.500ha diện tích trồng lúa nước, trong đó có 80% diện tích canh tác giống lúa Bao Thai. Từ bao đời nay, người dân Chợ Đồn đã gắn bó với giống lúa Bao Thai lùn nổi tiếng thơm ngon. Hạt gạo Bao Thai tròn mẩy, trắng sáng, được người dân địa phương ví như “thiếu nữ Tày tuổi trăng tròn, đậm đà, trắng trong và căng tràn sức sống”. Thế nhưng, chỉ có một số xã ở huyện Chợ Đồn mang đặc điểm riêng biệt về khí hậu, thổ nhưỡng mới cho sản phẩm gạo Bao Thai thật sự chất lượng.

Ông Lục Đình Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Đồn cho biết: Nắm bắt tiềm năng, lợi thế của sản vật này, huyện Chợ Đồn xác định đây là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương. Trên cơ sở đó, huyện đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng gạo Bao Thai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, phục tráng giống đầu dòng để cung cấp giống cho nông dân với chất lượng tốt nhất.

Xã Phương Viên là địa phương sản xuất gạo Bao Thai cho năng suất cao. Diện tích cấy lúa Bao Thai chiếm tới 90% tổng diện tích trồng lúa của xã. Thời gian qua, lãnh đạo xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Vụ mùa năm 2019, xã gieo trồng khoảng 200ha lúa, chủ yếu là giống Bao Thai. Chị Hoàng Thị Sen, thôn Nà Càng, xã Phương Viên cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình gieo cấy 5 sào lúa giống Bao Thai, dự kiến sẽ thu được 8 tạ lúa. Với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, gia đình chị có thể thu được trên 12 triệu đồng.

Từ năm 2011-2013, Trung tâm thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao đã xây dựng mô hình phục tráng giống lúa Bao Thai Chợ Đồn tại 2 xã Phương Viên và Bản Lác với tổng diện tích 10ha. Qua theo dõi cho thấy, ruộng mô hình sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, với năng suất bình quân đạt 40-45 tạ/ha, tổng sản lượng lúa Bao Thai toàn huyện Chợ Đồn đạt 9.500 tấn/năm. Với giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi năm lúa Bao Thai mang lại tổng thu nhập khoảng trên 100 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Để phát huy thương hiệu vốn có của gạo đặc sản Bao Thai, năm 2016, HTX Hoàn Thành, xã Phương Viên được thành lập với mục đích hướng tới tập trung sản xuất lúa, gạo Bao Thai đúng quy trình, tạo ra sản phẩm gạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… Anh Hoàng Văn Thành, Chủ nhiệm HTX Hoàn Thành cho biết: Các thành viên HTX đã được tập huấn quy trình sản xuất giống đến quy trình canh tác lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đảm bảo an toàn môi trường. Mục tiêu chiến lược kinh doanh của HTX Hoàn Thành hướng tới là tiêu thụ mạnh tại thị trường ngoại tỉnh, vì vậy khâu quảng bá, giới thiệu và tiếp cận thị trường tiềm năng đang được chú trọng trong lộ trình phát triển của HTX. Việc trực tiếp tiêu thụ lúa, gạo cho bà con sẽ giúp họ yên tâm hơn trong sản xuất, không còn lo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, HTX Hoàn Thành đã ký cam kết tiêu thụ sản phẩm gạo Bao Thai cho bà con trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tập trung sản xuất cây lúa thành hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập.

Năm 2018 sản phẩm gạo Bao Thai Chợ Đồn được lựa chọn tham gia Chương trình “Mỗi, xã phường một sản phẩm” và xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. “Đây là cơ sở quan trọng để khẳng định thương hiệu sản phẩm, quảng bá và phát triển bền vững nhãn hiệu tập thể gạo Bao Thai Chợ Đồn, từng bước nâng tầm chất lượng để vươn tới 4 sao”, ông Lục Đình Hoa cho biết thêm.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.