Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gạo Sóc Trăng vào Chương trình OCOP

PV - 10:01, 03/09/2019

Thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng năm 2030, tỉnh Sóc Trăng có 109 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tham gia; tập trung vào 5 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm-nội thất-trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm làm từ hạt gạo được các địa phương đưa vào sản phẩm OCOP…

Giai đoạn 2019-2020, huyện Châu Thành đã phê duyệt 5 sản phẩm OCOP trên địa bàn được làm ra từ hạt gạo của địa phương như, nui khô và bún khô bước đầu đã mang lại hiệu quả, tăng giá trị nông sản của địa phương. Minh chứng, từ nguồn nguyên liệu chủ yếu tại địa phương, bánh tráng và bún khô của cơ sở Thanh Đại ở xã An Hiệp được xã chọn cho tham gia Chương trình OCOP.

Với tổng diện tích 40.000m2, diện tích nhà xưởng khoảng 4.000m2, đầy đủ thiết bị máy móc, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đã được ông chủ cơ sở Thanh Đại đầu tư, với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Nông dân gieo trồng và thu hoạch lúa Tài nguyên Thạnh Trị. Nông dân gieo trồng và thu hoạch lúa Tài nguyên Thạnh Trị.

Ông Trang Minh Trí, chủ cơ sở cho biết: “Về nhân công, hiện cơ sở chúng tôi đã tạo điều kiện cho người lao động tại địa phương là chính. Theo đó, hàng ngày có khoảng 20 công nhân phục vụ tại cơ sở, lúc cao điểm có những tháng lên đến hơn 30 người, với mức thu nhập khá ổn định từ 3-5 triệu đồng 1người/tháng”.

OCOP cũng là một sản phẩm “mở” mang tính toàn cầu, nên vấn đề tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị được xem là yếu tố quan trọng. Do đó, từ lợi thế của địa phương có diện tích sản xuất lúa tài nguyên lớn và lâu đời của tỉnh, với hơn 7.000ha, huyện Thạnh Trị đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của địa phương từ hạt gạo.

Để giữ vững chất lượng hạt gạo truyền thống, huyện Thạnh Trị đã đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” vào năm 2017. Thông qua đó, đã giúp hạt gạo của địa phương ngày càng đi xa hơn trong và ngoài tỉnh.

Doanh nghiệp Tư nhân (DNTN) Châu Hưng, thị trấn Hưng Lợi được UBND huyện “trao quyền” khai thác nhãn hiệu gạo mang tên địa phương hơn 2 năm qua. Doanh nghiệp đã góp phần rất lớn trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Mục tiêu chính doanh nghiệp luôn đặt lên hàng đầu là, bảo vệ uy tín nhãn hiệu cũng như đảm bảo chất lượng gạo bán trên thị trường luôn ổn định.

“Tôi rất quan tâm đến việc địa phương chọn gạo Tài nguyên Thạnh Trị vào Chương trình OCOP, bởi đây sẽ tiếp tục tạo thêm tiếng vang xa hơn nữa cho hạt gạo quê nhà, vì vừa có chứng nhận nhãn hiệu vừa có thêm dấu OCOP sẽ nâng tầm hạt gạo lên. Người tiêu dùng qua sản phẩm cũng có thể biết rằng, đây là gạo đặc sản riêng của quê hương Thạnh Trị”, ông Lý Khoa, Giám đốc DNTN Châu Hưng chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện, từ lợi thế khi được công nhận OCOP của tỉnh, các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ… hộ kinh doanh sẽ dễ dàng đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các cửa hàng cao cấp, siêu thị và cả thị trường xuất khẩu. Từ đó cho thấy, Chương trình OCOP là một giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Chủ tịch tỉnh Trần Văn Chuyện thông tin, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tập huấn sâu rộng, thay đổi nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân; đồng thời, phát huy được giá trị truyền thống của địa phương và không sản xuất theo phong trào. Có như vậy, dòng chảy OCOP mới thông thoáng và đến được người tiêu dùng ngày một nhiều hơn.

SONG VY

Tin cùng chuyên mục
Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng không ai khác chính là Nhân dân

Giữ được rừng, không ai khác, chính là Nhân dân. Những cánh rừng được bảo vệ tốt, chỉ khi nào lợi ích của kinh tế rừng gắn liền với đời sống của mỗi hộ gia đình. Đó là những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được ở tỉnh miền núi cực Bắc Hà Giang đã ngút ngàn màu xanh của rừng...