Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Gặp người hùng ở bản Chôm Lôm

Nguyễn Thanh - 18:34, 06/10/2021

Bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) giờ đã không còn cách trở đò ngang. Dòng Lam dữ dằn cũng chỉ còn gào thét dưới chân cầu treo Chôm Lôm mỗi mùa lũ về. Người hùng dân tộc Thái ở Chôm Lôm - Lộc Vĩnh Thêu, ngày ấy, nay cũng đã là cán bộ xã được dân bản tin yêu.

Một góc bản Chôm Lôm
Một góc bản Chôm Lôm

Nỗi đau 15 năm trước

Trở lại bến Chôm Lôm, dòng sông Lam vẫn đục ngầu cuộn chảy, nhưng quang cảnh xung quanh đã khác đi nhiều. Sau vụ chìm đò năm 2006 khiến 19 học sinh tử nạn, bến đò Chôm Lôm đã bị xóa bỏ, thay vào đó là cây cầu treo bắc qua sông, nối con đường bê tông từ Quốc lộ 7A chạy thẳng vào bản Chôm Lôm. Nguyên Chủ tịch UBND xã Lạng Khê huyện Con Cuông (Nghệ An) Vi Đình Tuyển nói: Khi khai mường lập bản, tên Chà Lum được đổi thành Chôm Lôm.

Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng ký ức của một ngày đầu tháng 10/2006 thì vẫn còn đó, với tất cả những ám ảnh kinh hoàng. Lộc Vĩnh Thêu khi ấy hãy còn là cậu sinh viên trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng về quê tránh bão, kể: "Sáng hôm đó, khi nghe tiếng kêu thất thanh, chạy ra sông, tôi thấy những bàn tay và mái đầu trẻ chới với dưới dòng nước đục ngầu, cuộn xiết. Không ngần ngại, tôi lao mình xuống dòng sông sâu, cứu được 5 em học sinh".

Cho đến giờ, khi nhắc lại thời khắc ấy, Thêu vẫn không nguôi tiếc nuối: "Lúc đó, nước dâng cao lại chảy quá xiết, giá như tôi có thể cứu được nhiều người hơn, thì nỗi đau ngày xưa có thể vơi đi một ít".

Dưới chân cầu treo Chôm Lôm từng xảy ra vụ chìm đò thảm khốc 15 năm trước
Dưới chân cầu treo Chôm Lôm từng xảy ra vụ chìm đò thảm khốc 15 năm trước

Sau khi chiếc đò ngang chở hàng chục học sinh vượt sông đến trường bị đắm, Chôm Lôm một ngày đại tang. Dọc bờ sông, từng đoàn người sục sạo vách đá, bụi lau tìm kiếm các em học sinh. Tại bến Chôm Lôm, nhiều bà mẹ vật vã khóc than. Những con thuyền máy chạy ngược, xuôi trên khúc sông lạnh. Xã Lạng Khê hôm đó công bố con số đau lòng: 19 em học sinh cấp 2 chết và mất tích, con đò chở học sinh cũng mất hút giữa thác lũ cuồn cuộn.

Một mình cứu sống 5 học sinh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, người dân bản Chôm Lôm gọi chàng trai người Thái Lộc Vĩnh Thêu là “anh hùng Chôm Lôm”. Thêu là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em ở bản Chôm Lôm. Vì nhà nghèo, anh đành gác ước mơ lên đại học, ở nhà phụ giúp cha mẹ. Đến năm 20 tuổi, ước mơ đi học vẫn âm ỉ cháy, anh năn nỉ cha mẹ bán mấy con lợn làm lộ phí. Một mình anh bắt xe vào Đà Nẵng đi thi và đậu ngành Giáo dục thể chất của khoa Bơi lội, Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng. 

Mùa thu năm 2006, cơn bão số 6 tàn phá ngôi trường, nên Thêu được tạm nghỉ về thăm quê và đã phải chứng kiến nỗi mất mát lớn của cả bản làng, khi tai nạn chìm đò xảy ra.

Ghi nhận tấm gương dũng cảm của Thêu, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ GD&ĐT và Ủy ban TDTT đã tặng Bằng khen vì đã có hành động dũng cảm cứu các em học sinh trong vụ đắm đò tại bản Chôm Lôm. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”…

Không thể để tái diễn nỗi bất an ở bến đò Chôm Lôm, từ sự kêu gọi, chung tay của nhiều tổ chức, đã có một cây cầu treo vững chãi bắc ngang sông Lam, nối bản Chôm Lôm cùng 2 bản còn lại là Đồng Tiến, Yên Hòa với trung tâm xã Lạng Khê. 

Bản Chôm Lôm giờ đã không còn cách trở đò ngang. Dòng Lam dữ dằn cũng chỉ còn gào thét dưới chân cầu treo Chôm Lôm mỗi mùa lũ về. 5 học sinh được Lộc Vĩnh Thêu cứu sống trong vụ chìm đò 15 năm trước, nay đã lớn khôn, có đứa đã lập gia đình. Nhưng tự sâu thẳm lòng mình, người dân Chôm Lôm không bao giờ quên ký ức của buổi sáng định mệnh cướp đi sinh mệnh 19 đứa trẻ xấu số…

Người cán bộ được dân bản tin yêu

Ký ức buồn của bản làng từng là động lực để Thêu phấn đấu học tập, trở thành thầy giáo. Tháng 7/2007, anh tốt nghiệp, từ chối lời mời ở lại Đà Nẵng làm việc và háo hức trở về quê làm thầy giáo. Nhưng con đường xin việc của anh không suôn sẻ. Sau rất nhiều lần nhận những lời từ chối vì “hết chỉ tiêu”, Thêu đành chấp nhận ở nhà làm rẫy, phát triển kinh tế gia đình, chờ cơ hội khác.

Anh Lộc Vĩnh Thêu (bên phải) giờ đã là người cán bộ tận tâm, trách nhiệm
Anh Lộc Vĩnh Thêu (bên phải) giờ đã là người cán bộ tận tâm, trách nhiệm

Bằng những kiến thức đã học được, bằng những tâm huyết, trăn trở của tuổi trẻ, Thêu tích cực tham gia hoạt động phong trào ở địa phương và được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã không lâu sau đó. 

“Cán bộ nói phải đi đôi với làm và phải làm trước”, Thêu suy nghĩ vậy và bắt tay vào phát triển kinh tế ngay tại quê nhà. Sau nhiều đêm trằn trọc, Thêu quyết định vay mượn để đầu tư phát triển kinh tế, bằng hình thức nhận đất hoang mở rộng thêm sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi heo, xin nhận đất rừng trồng cây keo, cây mét, cây nứa… kết hợp chăn nuôi trâu, bò thả rừng.

Vượt qua bao khó khăn và những nỗ lực không ngừng nghỉ, Thêu đã có trong tay mô hình kinh tế VACR hiệu quả, với nguồn thu ổn định từ 90 - 100 triệu đồng mỗi năm. Học theo Lộc Vĩnh Thêu, người trẻ trong bản, trong xã đã mạnh dạn nhận đất, vay vốn để phát triển kinh tế trên vùng đất quê hương. Đặc biệt, hai cha con người lái đò năm ấy, sau khi chịu án tù, cũng đã quay về quê rồi học theo cách làm kinh tế của Thêu và có được cuộc sống ổn định.

Phát triển kinh tế nhưng không quên nhiệm vụ, trong các hoạt động phong trào ở cơ sở, Thêu luôn hăng hái đi đầu, là tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo. Bằng những nỗ lực của bản thân, năm 2012, Thêu được trao tặng Giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường…

Hiện nay, Lộc Vĩnh Thêu đã là Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm Bí thư Đoàn xã. Dẫu ở cương vị nào, thì Thêu vẫn tròn trách nhiệm, được mọi người tin yêu. Còn tôi, chỉ biết mượn lời người dân bản Chôm Lôm thay cho lời kết bài viết này như một sự cảm phục, mến yêu chàng trai người Thái-Lộc Vĩnh Thêu: Người dân xã Lạng Khê chúng tôi rất tự hào về chàng trai có tấm lòng dũng cảm cứu người. Thêu là cán bộ gương mẫu, trách nhiệm, là người phát triển kinh tế giỏi ở địa phương. Bản làng Chôm Lôm đang dần khởi sắc, trong đó sự đóng góp của anh Thêu là rất lớn.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.