Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gặp những cựu chiến binh mang họ Bác Hồ

PV - 15:58, 28/06/2018

Với những cựu chiến binh người Vân Kiều mang họ Bác Hồ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh năm xưa, ký ức một thời lửa đạn dường như vẫn vẹn nguyên. Trở về thời bình, phát huy phẩm chất kiên cường của người lính, họ tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương và trở thành điểm tựa, dìu dắt thế hệ trẻ…

Ông Hồ Văn Xang và chiếc nỏ gắn bó với ông trong thời kỳ kháng chiến. Ông Hồ Văn Xang và chiếc nỏ gắn bó với ông trong thời kỳ kháng chiến.

 

Vượt qua nhiều cây số đường đất khá hiểm trở, chúng tôi mới đến được căn nhà sàn đơn sơ của cựu chiến binh Hồ Mơ, 80 tuổi nằm ở thung lũng Xa Lau, thuộc thôn Prin C, xã A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị). Đây là thung lũng khá biệt lập, nơi chỉ có gia đình ông Mơ gắn bó hơn 30 năm qua. Ông Mơ kể, năm 18 tuổi ông bắt đầu tham gia cách mạng, được biên chế vào Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, trực tiếp gùi cõng lương thực, vũ khí phục vụ bộ đội ta chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên.

“Hồi ấy đơn vị của tôi tham gia gùi cõng hàng hóa, vũ khí từ điểm tiếp nhận ở Vĩnh Linh ngày đêm đi bộ xuyên rừng để tiếp tế cho bộ đội ta đánh mặt trận Trị Thiên. Giai đoạn gian khổ và ác liệt nhất là phục vụ những trận đánh ở cứ điểm Làng Vây, sân bay Tà Cơn… Thời điểm ấy việc vận chuyển phải được duy trì liên tục, đảm bảo thông suốt để ta tập trung đầy đủ lương thực, khí tài thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Tôi đã tham gia hàng trăm chuyến gùi cõng như thế”, ông Mơ nhớ lại.

Chiến tranh qua đi, đến năm 1980 ông trở lại quê hương A Dơi với đôi chân không còn lành lặn. Ông lấy vợ và xây dựng cuộc sống. Những năm đầu, khi những đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của gia đình vô cùng vất vả. Năm 1990, ông xin được khai hoang khu vực Xa Lau, là một thung lũng nằm cách xa trung tâm xã khoảng 5km, vốn không có đường vào. Miệt mài nhiều tháng trời ông mới mở được con đường vào Xa Lau rồi dựng nhà, bắt đầu làm nương rẫy, trồng lúa nước.

Cuộc sống vất vả lần hồi trôi qua, vợ chồng ông và đàn con nhỏ đã vượt qua đói nghèo. Đến những năm 2005, gia đình Hồ Mơ đã trở thành một trong những điển hình về làm kinh tế của xã. Gia đình ông sở hữu 5 sào ruộng nước, 6ha bời lời, 50 con trâu bò, 2,5ha cao su… Giai đoạn từ năm 2005 đến 2015, bình quân mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập từ 250-300 triệu đồng.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Mơ còn có tấm lòng nhân hậu hiếm có khi nhận nuôi hơn 10 đứa trẻ mồ côi, hoặc có hoàn cảnh quá khó khăn trong thôn, xã và cả ở các bản biên giới Việt-Lào tiếp giáp với xã A Dơi. Những đứa trẻ được gia đình ông nuôi nấng, cho ăn học đến nay phần lớn đã trưởng thành, có cuộc sống riêng ổn định. Không chỉ vậy, khoảng thời gian gắn bó với thung lũng Xa Lau, ông cũng đã tự nguyện bảo vệ cánh rừng tự nhiên rộng 54,3ha xung quanh, đã hạn chế tối đa sự phá hoại của lâm tặc, của những người săn bắn thú trái phép…

“Hiện tôi đang làm căn nhà ở ngoài trung tâm xã để chuẩn bị ra ở, vì bây giờ cũng không còn khỏe mạnh như trước để bám trụ mãi ở đây. Tuy vậy, lúc nào còn đi lại được tôi vẫn tiếp tục ra vào để góp sức bảo vệ rừng, dạy bảo con cháu nối nghiệp làm ăn ở thung lũng Xa Lau ”, ông Mơ bảo.

Cũng từng vào sinh ra tử, cựu chiến binh Hồ Văn Xang ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh bồi hồi khi nhắc lại một thời tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh. Nâng niu chiếc nỏ, được xem như “bảo vật” của cuộc đời mình, ông tâm sự, chiếc nỏ là một trong những tài sản quý giá được ông gìn giữ suốt 50 năm qua. Chiếc nỏ tự tay ông làm khoảng những năm 1960, khi còn hoạt động cách mạng bí mật khắp các vùng rừng núi ở Quảng Trị. Tuy đơn sơ, giản dị nhưng chiếc nỏ đã theo ông trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua các chiến dịch ác liệt tại Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh và nhiều trận đánh khác...

Mỗi khi ngắm nhìn chiếc nỏ, những ký ức hào hùng, bi tráng nhất của đời lính lại trở về trong ông. “Đây là chiếc nỏ tôi dùng để bảo vệ bản thân trong những năm tháng còn hoạt động cách mạng bí mật. Khi có bộ độ chủ lực lên đây, chiếc nỏ lại được dùng để bảo vệ cách mạng, bản làng, bảo vệ mùa màng, ông Xang nói.

Năm 1963, ông Xang chính thức gia nhập bộ đội địa phương. Sau nhiều năm trực tiếp chiến đấu, ông được cấp trên tin tưởng giao chức vụ Đại đội trưởng, trực tiếp chỉ huy 140 quân tham gia chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968. Trước và sau chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, ông Xang và đồng đội đã chiến đấu trên 100 trận lớn nhỏ, phối hợp bộ đội chủ lực làm nên những chiến thắng vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Ông vẫn nhớ như in nhiều trận đánh mà ông và đồng đội suýt chết trong gang tấc. “Có nhiều trận, tôi và đồng đội bị máy bay địch phát hiện. Chúng rà súng máy từ trên máy bay quyết tiêu diệt. Mình vừa chạy vừa ẩn nấp, rồi cố gắng chống trả. Nghĩ đằng nào cũng hy sinh nhưng quyết tâm phải bắn hạ được vài tên trước khi chết… Nhưng may mắn sau đó lại thoát chết. Tôi cũng không nhớ mình đã thoát chết bao nhiêu lần tương tự. Chiến tranh mà, lúc đó ai nghĩ đến chuyện sống chết ra sao. Cứ còn sống là còn chiến đấu thôi…”, ông Xang tâm sự.

Phát huy truyền thống người lính Cụ Hồ năm xưa, những cựu chiến người Vân Kiều như ông Hồ Văn Xang, Hồ Mơ… lại trở thành lá cờ đầu trong phát triển kinh tế cùng góp sức xây dựng bản làng, quê hương. Họ cũng là người cựu chiến binh gương mẫu, nêu gương sáng trong các phong trào của địa phương, tích cực giáo dục con cháu, tiếp tục truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương…

Ông Hồ Mơ Ông Hồ Mơ
Nâng niu chiếc nỏ, được xem như “bảo vật” của cuộc đời mình, ông tâm sự, chiếc nỏ là một trong những tài sản quý giá được ông gìn giữ suốt 50 năm qua. Chiếc nỏ được chính tự tay ông làm khoảng những năm 1960, khi còn hoạt động cách mạng bí mật khắp các vùng rừng núi ở Quảng Trị. Tuy đơn sơ, giản dị nhưng chiếc nỏ đã theo ông đánh Mỹ cứu nước qua các chiến dịch ác liệt tại Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh và nhiều trận đánh khác... “Cựu chiến binh Hồ Văn Xang

ĐỨC VIỆT