Theo chân chị Lê Thị Kim Anh, cán bộ làm công tác giảm nghèo xã Canh Thuận, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Lê Thị Me, dân tộc Ba Na ở làng Hà Lũy để nghe chị kể về quá trình phấn đấu vượt khó vươn lên của mình.
Vài năm trước, gia đình chị Me còn nằm trong tốp những hộ nghèo của xã Canh Thuận. Càng khó khăn hơn, khi cách đây khoảng 4 năm, chồng chị Me đột ngột qua đời, để lại cho chị 2 đứa con thơ. Mối lo cơm áo, gạo tiền lại càng nặng trĩu trên đôi vai nhỏ bé của chị. Nén nỗi đau trước sự ra đi đột ngột của chồng, chị Me đã cật lực lao động lo cho 2 đứa con ăn học. Được Nhà nước hỗ trợ bò giống và chính quyền địa phương giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Me đầu tư trồng 3ha keo, đồng thời tranh thủ thời gian rảnh, chị đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học.
Nhờ chăm sóc tốt, bò giống do Nhà nước cấp đã sinh sản, keo cũng bán được giá. Cuối năm 2017, chị Me tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Me tâm sự: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước rất nhiều. Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh, nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những bà con nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ”.
Rời nhà chị Me, chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Ty khi ông vừa mới đi làm đồng về. Khi được hỏi về chuyện xin thoát nghèo, ông Ty vui vẻ cho hay: Xin thoát nghèo để mình phấn đấu, không nên dựa hoài vào sổ hộ nghèo và trợ cấp hằng tháng. Bản thân tôi nhận thấy kinh tế gia đình đã ổn định và không còn cảnh thiếu đói như trước, nên đã tình nguyện xin thoát nghèo. “Ban đầu tôi cũng phân vân lắm, nhưng khi nghe cán bộ thôn, xã giải thích nên mình quyết định làm đơn xin thoát nghèo. Ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi một khoản lớn trợ cấp hằng tháng, nhưng mà thoát nghèo rồi mình mới có động lực làm ăn, phấn đấu để no đủ.”, ông Ty tâm sự.
Không chỉ có chị Me, ông Ty mà theo thống kê của UBND xã Canh Thuận, từ năm 2015 đến nay toàn xã có gần 20 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Ở đây không chỉ là “cái mác” thoát nghèo, mà còn là ý thức, trách nhiệm của họ đối với bản thân, gia đình và xã hội. Anh Đinh Văn Hợp ở làng Hà Văn Trên, xin thoát nghèo từ năm 2015 chia sẻ: Mấy năm trước gia đình mình thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ bò, cho vay vốn trồng keo theo Chương trình WB3. Cuộc sống của gia đình anh đã ổn định, đồng thời có tích lũy để xây nhà. Nhờ Đảng, Nhà nước mà mình đã có bò, có đất trồng mì, trồng rừng để phát triển kinh tế bền vững thì phải thoát nghèo để phần cho người khác chứ!”.
Ở làng Hà Văn Dưới, câu chuyện của những hộ xin ra khỏi diện nghèo cũng được bà con ở đây truyền tai nhau vừa như kể về một điển hình làm ăn giỏi, vừa như nhắc nhở bản thân mình hãy phấn đấu để được như vậy. Theo lời giới thiệu của bà con, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Ngọc Hà. Ông Hà cho biết: “Gia đình tôi trước kia cũng nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò cái. Qua 3 năm, đàn bò đã phát triển lên được 6 con. Tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo không phải vì đã giàu đâu, mà vì trong làng còn có người khó khăn hơn mình, mình cứ ở mãi trong danh sách hộ nghèo thì xấu hổ lắm”.
Ông Đinh Văn Quang, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho hay: “Chính nhờ phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi và tự nguyện xin thoát nghèo đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo cho cả xã. Tôi nghĩ, họ chính là những tấm gương rất tốt để các gia đình khác noi theo, nên phải được nhân rộng ra toàn xã, để kích thích phong trào thi đua làm kinh tế gia đình. UBND xã cũng sẽ có sự hỗ trợ để các hộ này tiếp tục phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”.
LÊ PHƯƠNG