Thời khói lửa…
Dòng Long Đại với bến Hiền Ninh thuộc xã Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhiều người biết đến Hiền Ninh như địa danh với những tráng ca bất tử về lòng quả cảm của những dân công
hỏa tuyến năm xưa.
Mặc dù đôi chân không còn vững chãi như năm xưa, nhưng trong trí nhớ của ông Phạm Công Nông (SN 1939) cựu thanh niên xung phong trên bến Hiền Ninh năm xưa vẫn còn nhớ như in, quá khứ phục vụ bộ đội chủ lực chiến đấu trên bến đò này.
Ông kể rằng: Không giống như nhiều thanh niên khác ra chiến trường chiến đấu, ông chọn con đường ở lại quê hương vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu. Nói là ở lại quê hương, nhưng thực chất Hiền Ninh thời chống Mỹ vẫn là chiến trường khốc liệt. Ngày đêm máy bay địch cày xé rải bom đạn xuống vùng đất nhỏ bé này. Điểm mà giặc Mỹ bắn phá nhiều nhất đó là khu vực bến đò Hiền Ninh nhằm cắt sự viện trợ của quân và dân ta cho chiến trường. Vì vậy, mỗi người dân nơi đây đều là chiến sĩ phải biết bắn các loại súng, từ AK đến tiểu liên, đại liên…
Đối với cựu thanh niên xung phong trên bến đò Hiền Ninh mà đến ngày nay người ta vẫn nhắc đến nhiều về bà Phan Thị Thuật (sinh năm 1945), từng là Trung đội trưởng các năm 1966-1967; Xã đội trưởng năm 1968.
Nói về những việc làm giúp bộ đội cũng như bảo vệ quê hương, bà bảo: Trong 11 năm tham gia lực lượng (1964 đến 1975), đặc biệt từ năm 1965 đếxn 1972, dân quân thôn Long Đại, Hiền Ninh đã chèo hàng nghìn chuyến đò đưa bộ đội vượt sông vào Nam chiến đấu. Cứ bắt đầu từ 6 giờ tối đến 5 giờ sáng mỗi ngày, những con thuyền mỏng manh do 4 dân quân chèo chở từ 8 đến 10 chiến sĩ vượt sông, bất kể nắng hay mưa. Dân quân ở đây thuộc lòng đặc điểm của dòng sông, biết rõ nơi nào là dòng xoáy, nơi đâu là bãi cạn, biết điều khiển con đò như thế nào để tránh bãi thủy lôi, bảo đảm an toàn cho bộ đội sang sông...
Chung sức xây dựng quê hương
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh chia sẻ: Đảng bộ và chính quyền luôn ghi nhận những đóng góp về trí và lực của các cựu thanh niên xung phong. Những cựu thanh niên xung ngày xưa như ông Công hay bà Thuật... đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào như tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để làm đường bê tông liên thôn; động viên con cháu nỗ lực lao động sản xuát phát triển kinh tế, chung tay xây dựng và bảo tồn các nét đẹp văn hóa…; Hôm nay, dù người còn, người mất những những gì họ đã làm cho quê hương là đáng trân trọng.
Theo Chủ tịch xã, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hiền Ninh luôn đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn xây dựng quê hương đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phong trào xây dựng NTM. Tính từ năm 2011 đến nay, xã Hiền Ninh đã đầu tư xây dựng hàng chục hạng mục công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, với tổng kinh phí huy động trên 120 tỷ 163 triệu đồng; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 37 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 78 tỷ 457 triệu đồng và nguồn vốn khác 4 tỷ 967 triệu đồng.
Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công làm đường, bê tông hóa kênh mương nội đồng, hiến đất, cây, tường rào... Đến nay, đường liên thôn đã được bê tông hóa 100%, kinh tế-xã hội của xã phát triển, diện mạo làng quê có nhiều khởi sắc, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại hoạt động tấp nập; đồng ruộng được dồn điền đổi thửa và quy hoạch chuyển đổi để xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh hiệu quả; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh trật tự giữ vững... bình quân thu nhập đạt trên 26 triệu đồng/người/năm, đưa xã Hiền Ninh cán đích xây dựng NTM cuối năm 2017.
MINH THỨ