Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Gia đình người Chăm hiếu học

PV - 15:14, 10/09/2019

“Niềm tự hào và tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi là kết quả nỗ lực vượt khó học tập, rèn luyện của các con”, chị Bình Thị Cúc, dân tộc Chăm, ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), chia sẻ.

Chị Bình Thị Cúc nêu gương gia đình học tập xuất sắc ở làng Chăm Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Chị Bình Thị Cúc nêu gương gia đình học tập xuất sắc ở làng Chăm Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Theo chân chị Đàng Thị My Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phước Hữu, chúng tôi đến thăm gia đình chị Cúc ở cuối làng Chăm Hữu Đức. Phòng khách của ngôi nhà cấp treo Giấy khen của Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho gia đình hiếu học xuất sắc và nhiều giấy khen về thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của các con.

Chị Cúc cười hồn hậu, chia sẻ: “Nhà ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng các con tôi luôn nêu cao tinh thần tự học. Đây là niềm vui, niềm tự hào, là tài sản lớn nhất của gia đình”.

Chị Cúc có 4 người con, thì cả 4 đều đã và đang thành công trên con đường học tập. Con gái đầu là Thạch Thị Ngọc Trân, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Vật lý thuộc Trường Đại học Cần Thơ năm 2013, sau đó về giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pinăng Tắc (huyện Bác Ái, Ninh Thuận). Năm học 2015-2016, với đề tài nghiên cứu khoa học: “Nhiệt động lực học và động cơ đốt trong”, Ngọc Trân đạt giải Nhì cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên cấp quốc gia”.

Năm 2018, Trân dự thi và trúng tuyển vào chương trình cao học sư phạm Vật lý của Trường Đại học Đà Lạt. Vừa đi dạy vừa đi học cao học, Thạch Thị Ngọc Trân đang phấn đấu hoàn thành chương trình thạc sĩ vào cuối năm 2019 này.

Con thứ hai của chị Cúc là Thạch Ngọc Thiện, đã tốt nghiệp ngành Thủy lợi, Trường Cao đẳng Công nghệ-Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, con thứ ba Thạch Thị Ngọc Trinh vừa tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Phú Yên; con trai út Thạch Ngọc Thông đang học năm thứ 4 chuyên ngành Công nghệ Ô tô, Trường Đại học Nha Trang.

Trao đổi thêm với chị Cúc, chúng tôi được biết, chị sớm hôm tần tảo để lo cho các con ăn học. Trên 2,2 sào đất, chị trồng lúa để bảo đảm lương thực cho gia đình; chị nuôi 2 con heo nái và 100- 200 con gà thịt để bán. Đây là nguồn thu nhập chính trang trải cuộc sống thường ngày của vợ chồng chị Cúc.

“Chi phí học tập lấy từ lương của chồng là giáo viên Trường THCS Trương Định. Khi hai cháu đầu học đại học và cao đẳng, kinh tế gia đình rất khó khăn, cũng may có nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên. Sau khi cháu Ngọc Trân và cháu Thiện ra trường có thu nhập phụ giúp ba mẹ nuôi hai em ăn học nên cũng đỡ vất vả hơn”, chị Cúc bộc bạch.

Từ nỗ lực chăm lo việc học cho các con, gia đình chị Cúc xứng đáng với danh hiệu là gia đình hiếu học xuất sắc của tỉnh Ninh Thuận.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.