Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 3,5 tháng qua, do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng cao.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 415 - 420 USD/tấn, tăng 20 USD so với đầu tháng. Trung bình tháng 3 đạt 414 USD/tấn, tăng 16 USD/tấn so với tháng 2.
Về chủng loại, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục đà chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn như mục tiêu chung đã đề ra trong những năm gần đây.
Gạo thơm các loại (chủ yếu là Đài Thơm và một số giống OM) dự kiến vẫn duy trì tỷ trọng lớn với kỳ vọng từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, Philippines.
Tỷ lệ gạo trắng chất lượng cao 5% tấm dự báo sẽ ổn định nhờ nhu cầu thường xuyên của Cuba. Bên cạnh đó, phân khúc gạo nếp cũng được dự báo khá sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc…
Tại thị trường trong nước, lúa gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sôi động hơn trong tháng 3, khi giá lúa Đông Xuân tăng nhẹ so với tháng trước. Nông dân đã thu hoạch được 1/4 diện tích lúa Đông Xuân 2022.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.600 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với trung bình tháng 2; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 5.700 đồng/kg, tăng gần 400 đồng/kg; gạo thường ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản Jasmine ở mức 15.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa cũng tăng 400 - 500 đồng mỗi kg so với tháng 2.