Thưa ông, xin ông cho biết thời gian qua, Người có uy tín ở tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò, uy tín, trách nhiệm của mình thế nào đối với buôn làng?
Gia Lai là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, với 44 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai chiếm hơn 46% dân số. Toàn tỉnh có 955 Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Gia Rai 609 người, dân tộc Ba Na 299 người, dân tộc khác 47 người.
Người có uy tín luôn tiên phong trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 - 5%/năm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 121 thôn, làng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1.235/1.314 thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định, đạt 94%; cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Để Người có uy tín phát huy tốt vị trí, vai trò trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, tỉnh Gia Lai đã thực hiện chế độ chính sách đối với Người có uy tín như thế nào, thưa ông?
Những năm qua, các cấp, ngành tỉnh Gia Lai đã quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, trong đó có chính sách đối với Người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ 20,239 tỷ đồng để thực hiện chính sách đối với Người có uy tín.
Nhằm cung cấp thông tin cho Người có uy tín, trong giai đoạn 2021 - 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện cấp phát 148.980 tờ Báo Gia Lai, 297.960 tờ Báo Dân tộc và Phát triển, 97 điện thoại cho Người có uy tín; tổ chức đoàn đại biểu Người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm; tổ chức 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc (CSDT) và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng cho 1.200 lượt Người có uy tín...
Cùng với đó, các địa phương thường xuyên cung cấp, phổ biến các văn bản mới, thông tin tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, CSDT đang thực hiện ở địa phương cho 2.500 lượt Người có uy tín; 2 năm 1 lần, tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS nhằm động viên, ghi nhận những đóng góp của họ trong thực hiện công tác dân tộc, CSDT.
Đặc biệt, nhằm tiếp tục quan tâm đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ năm 2021, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được tích hợp vào Tiểu Dự án 1, của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Chương trình tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Trong bối cảnh, tình hình mới, những thách thức đặt ra với Người có uy tín là gì? Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS cần phải làm gì, thưa ông?
Hiện nay, đội ngũ Ngưới có uy tín hầu hết là người cao tuổi. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ sẽ gặp những khó khăn như sức khỏe, chưa sử dụng thành thạo các phương tiện về công nghệ… Vì vậy, việc đi lại để vận động, tuyên truyền cũng như nắm bắt được các thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế...
Do đó, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chế độ chính sách đối với Người có uy tín. Việc bầu chọn Người có uy tín trong đồng bào DTTS phải đảm bảo các tiêu chí theo quy định; đảm bảo Người có uy tín có đủ uy tín, gương mẫu, năng lực và sức khỏe trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; tăng cường cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kiến thức cho Người có uy tín để kịp thời thích ứng, phát huy hiệu quả vai trò của mình với cộng đồng.
Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Trân trọng cảm ơn ông!