Thưa ông, thời gian vừa qua, việc triển khai Dự án 7 đã được tỉnh Gia Lai tập trung vào những nội dung, hoạt động nào? Ông nhìn nhận thế nào về kết quả bước đầu đã đạt được?
Ông Đinh Hà Nam: Năm 2024, tỉnh Gia Lai được phân bổ trên 24,4 tỷ đồng để thực hiện Dự án 7 tại 15/17 huyện, thị xã với các nhiệm vụ chính như: Hoạt động can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0-16 tuổi; Hoạt động về truyền thông dinh dưỡng; hoạt động về kiểm tra, giám sát, khảo sát, đánh giá thực hiện.
Theo đó, ngành Y tế tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân thuộc vùng DTTS đẩy mạnh công tác chăm sóc dinh dưỡng, thông qua can thiệp trực tiếp từ khi bà mẹ mang thai, nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp dịch vụ tại các tuyến về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; đồng thời triển khai thực hiện mô hình này tại các xã vùng III tại 21 xã vùng III của 11 huyện.
Cùng với đó, thực hiện hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, kinh phí cho nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tại nhà cho bà mẹ không đến đẻ tại cơ sở y tế, thực hiện chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà (3 lần trong 42 ngày sau sinh) và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng (4lần/trẻ); mở 3 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho cộng tác viên y tế tại Kông Chro, 2 lớp ở KrôngPa; Hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên y tế thực hiện tuyên truyền và giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho cộng tác viên y tế thực hiện tuyên truyền tại Kông Chro và Krông Pa.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình gồm: Tập huấn cho 176 nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dinh dưỡng tại các thôn thuộc xã vùng III về Chăm sóc Dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện Khảo sát, điều tra, đánh giá triển khai mô hình Chăm sóc Dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại 21 xã vùng III của 12 huyện theo kế hoạch đề ra; Triển khai mua sắm sản phẩm gói/bột đa vi chất cấp phát cho trẻ 6 - 23 tháng bị suy dinh dưỡng; viên sắt/đa vi chất cấp phát cho phụ nữ mang thai và sau sinh.
Trên 100 cán bộ tuyến xã, huyện được tập huấn về các nội dung như, xét nghiệm Protein niệu, sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai bằng test nhanh; thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản về chăm sóc trước, trong và sau sinh; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật các nội dung về Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh…
Từ thực tế cơ sở cho thấy, việc triển khai Dự án 7 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu, đến năm 2025 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi sinh sống trên địa bàn huyện nghèo xuống dưới 23%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em từ trên 5 - 16 tuổi thể thấp còi sinh sống trên địa bàn huyện nghèo xuống dưới 34%.
Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 7, tỉnh Gia Lai có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
Ông Đinh Hà Nam: Mặc dù những kết quả đã đạt được là rất tích cực, song thực tế triển khai Dự án, tỉnh cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các Chương trình mục tiêu quốc gia đều có hoạt động về cải thiện dinh dưỡng nên dễ bị chồng chéo; Đối tượng thụ hưởng của các chương trình chủ yếu là người sống tại các vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số nơi vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu; Địa bàn rộng, giao thông đi lại không thuận tiện. Đối với phần hỗ trợ đỡ đẻ tại nhà và chăm sóc sau sinh thì một số cô đỡ thôn bản hoạt động trong địa bàn thụ hưởng chính sách, nhưng lại thanh quyết toán bên dự án VinGruop.
Mặt khác, các huyện còn lại đối tượng thụ hưởng không nhiều nên ảnh hưởng đến thanh quyết toán không hết với số kinh phí được cấp về; đối tượng thụ hưởng phải là cô đỡ thôn bản được đào tạo ít nhất 6 tháng thuộc thôn đặc biệt khó khăn mới được hưởng trợ cấp; một số cô đỡ thôn bản là nhân viên y tế thôn bản đang hưởng phụ cấp theo Quyết định số 75 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, toàn tỉnh chỉ có 16/147 cô đỡ thôn bản trong toàn tỉnh được hưởng phụ cấp theo Dự án này. Bên cạnh đó, một số huyện không mua được sản phẩm vi chất, vì một số nhà cung cấp có hàng nhưng hàm lượng vi chất không đạt yêu cầu, hoặc bị đứt hàng trong những tháng cuối năm…
Với những khó khăn như trên, địa phương đã có giải pháp hay đề xuất gì đến cấp có thẩm quyền, thưa ông?
Ông Đinh Hà Nam: Nhằm thực hiện tốt Dự án, ngành Y tế tỉnh Gia Lai kính đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình MTQG, thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình dự án để thực hiện hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn được thuận lợi hơn.
Đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, không chỉ thực hiện đối với huyện nghèo, cần thực hiện trên địa bàn DTTS và miền núi để đảm bảo có đủ số lượng đối tượng tham gia thụ hưởng từ Chương trình. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến thực hiện Luật Đấu thầu; hoàn thiện phần mềm mua sắm công nhằm đảm bảo công tác đấu thầu để đảm bảo hàng hóa triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình.
Hiện nay, Sở Y tế đang tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai kiểm tra việc thực hiện công tác chuyên môn của các chương trình. Đồng thời, chỉ đạo việc giải ngân theo nguồn kinh phí cấp trên giao theo quy định để triển khai chương trình, dự án một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.