Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Gia Lai: Cộng đồng dân cư cảnh giác với cháy rừng mùa nắng nóng

Thùy Dung - 16:48, 26/03/2023

Xác định công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt khi Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng nên nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, các chủ rừng và lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, vai trò trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong PCCC rừng đã có sự thay đổi tích cực.

Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đang triển khai đốt thực bì có điều khiển.
Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đang triển khai đốt thực bì có điều khiển.

Cộng đồng trách nhiệm

Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) Bắc An Khê, huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) hiện quản lý hơn 10.000 ha rừng. Để bảo đảm công tác PCCC rừng, ngay từ đầu năm, đơn vị đã củng cố lại Ban Chỉ huy và 4 tổ đội cộng đồng vừa nhận khoán, vừa là lực lượng PCCC rừng.

Cộng đồng thôn 1, xã Hà Tam (huyện Đăk Pơ) nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 260 ha rừng từ Ban Quản lý RPH Bắc An Khê. Để chủ động PCCC rừng, xã Hà Tam đã thành lập các tổ quản lý, bố trí nhiều chốt chặn tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Đặc biệt, đơn vị lên phương án tiến hành đốt trước có kiểm soát nhiều ha tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.

Ông Phạm Đông Mạnh, thôn 1, xã Hà Tam, hộ nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho biết: “Các tổ luôn có từ 2 - 3 người tuần tra kiểm soát 24/24, khi có sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ báo lại cho Ban Quản lý rừng Bắc An Khê biết. Đồng thời, huy động tất cả quân số xử lý với phương châm 4 tại chỗ gồm, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ để kịp xử lý các sự cố xảy ra”.

Tương tự, tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, cộng đồng làng nhận giao khoán quản lý 30 ha rừng từ Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh. Để bảo đảm PCCC rừng mùa nắng nóng, khô hanh, thanh niên ở làng Đê Kjiêng đã phân công nhau đi kiểm tra rừng thường xuyên, lên phương án đốt dọn thực bì.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê triển khai dọn thực bì để đảm bảo công tác PCCC rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê triển khai dọn thực bì để đảm bảo công tác PCCC rừng.

Là một trong những hộ dân được nhận giao khoán bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh từ nhiều năm qua, anh Măng trú tại làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) cho biết: Vào mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao nên các hộ nhận giao khoán rất chú trọng việc tuần tra, ngăn chặn người dân sử dụng lửa trong những khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, theo dõi kỹ các điểm có nguy cơ cháy để thông báo ngay cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và lực lượng Kiểm lâm, nếu xảy ra cháy rừng nhằm xử lý kịp thời.

“Để bảo đảm công tác PCCC rừng hiệu quả, chúng tôi thường xuyên cùng các cán bộ của Vườn tuyên truyền cho bà con dân làng bảo vệ rừng, chấp hành các quy định khi sử dụng lửa khi đi rừng hay trên nương rẫy tránh xảy ra cháy rừng. Nếu có vấn đề gì phải báo về trạm, về vườn để kịp thời xử lý”, anh Măng cho biết thêm.

Chủ động PCCC rừng

Ông Lê Thái Hùng - Phó Trưởng Ban Quản lý RPH Bắc An Khê cho biết: Đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, cử cán bộ trực cùng các tổ nhận khoán thường xuyên ứng trực tại các chốt trọng điểm cháy nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các điểm cháy xảy ra. Thành lập các tổ, đội PCCC rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người. Đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật như đốt thực bì có điều khiển, làm hệ thống đường ranh cản lửa đối với những diện tích rừng có nguy cơ cháy cao.

Huyện Đăk Pơ hiện đang quản lý gần 24.000 ha rừng, trong đó có hơn 19.000 ha rừng tự nhiên. Ông Đào Duy Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng và kiện toàn các Ban Chỉ huy PCCC rừng cấp huyện, xã; tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân, kiểm tra các đơn vị chủ rừng, UBND các xã để công tác PCCC rừng đạt hiệu quả cao.

Vào mùa khô, nắng nóng cao điểm các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng và người dân nhận giao khoán đã triển khai nhiều giải pháp PCCC rừng.
Vào mùa khô, nắng nóng cao điểm các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng và người dân nhận giao khoán đã triển khai nhiều giải pháp PCCC rừng.

“Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm cũng không lơ là, chủ quan trong công tác PCCC. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cán bộ công chức phối hợp với UBND các xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ,  nếu có xảy ra cháy rừng thì kịp thời dập không để cháy lan, đặc biệt là tăng cường trực những nơi có nguy cơ cháy rừng cao”, ông Đào Duy Tuấn cho biết thêm.

Tương tự, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có hơn 41.000 ha rừng, trải dài trên 3 địa bàn gồm các huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Kbang, trong đó có khoảng 151 ha diện tích rừng trồng được đánh giá là khu vực trọng điểm cháy mùa khô. Ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai phân công cán bộ, nhân viên phối hợp cùng cộng đồng dân cư trên địa bàn thường xuyên tuần tra, bám nắm địa bàn, chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ, triển khai đốt có điều khiển tại những khu vực có lớp thực bì khô và dày.

Ông Lê Văn Vinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho hay: Đơn vị xác định nguy cơ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất cao, vì vậy đơn vị đã chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong vấn đề sử dụng lửa khi đi rừng và khi đốt nương làm rẫy; phát, đốt giảm thực bì; sử dụng bảng biểu tuyên truyền đóng vào các lối ra vào rừng và phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, chủ rừng giáp ranh Vườn Quốc gia nhằm quản lý, nắm bắt tình hình những điểm có nguy cơ cháy cao để có giải pháp xử lý kịp thời.

Huyện Mang Yang hiện có hơn 60.000 ha rừng, trong đó có gần 10.000 ha thuộc các vùng trọng điểm cháy đó là: Ayun, H’ra, Đê Ar, Đak Trôi, Đak DJăng. Theo ông Nguyễn Công Ngọc - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, để chủ động phòng ngừa cháy rừng, huyện Mang Yang đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCC cấp xã, xây dựng phương án 4 tại chỗ. Đồng thời, thành lập các tổ, đội phòng chống cháy rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người, nòng cốt là người dân địa phương để phòng chống cháy rừng ngay từ bước đầu.

“Công tác tuyên truyền cũng được đơn vị nâng lên hàng đầu, chúng tôi thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các ban quản lý, các đơn vị chủ rừng, UBND xã có rừng nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác tuyên truyền đến các hộ dân sinh sống gần rừng. Hạt kiểm lâm có bộ phận kĩ thuật có theo dõi trên hệ thống về cảnh báo cháy sớm để khi phát hiện cháy thì báo cáo kịp thời cho các đơn vị chủ rừng và UBND các xã có rừng kịp thời dập tắt cháy, không để cháy lan”, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kỳ nghỉ lễ, cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng, thời tiết chưa từng có trong 10 năm qua

Kỳ nghỉ lễ, cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng, thời tiết chưa từng có trong 10 năm qua

Trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày tới đây, nắng nóng gay gắt diễn ra trên khắp cả nước ta, có những nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt. đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua mà cả 3 miền ở nước ta đều xảy ra nắng nóng trong kỳ nghỉ lễ như vậy.