Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Phú Yên: Giải quyết tồn tại để phát triển rừng bền vững

Thành Nhân - 16:22, 11/02/2020

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm 2019, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là số vụ và diện tích rừng bị cháy lớn nhất từ trước đến nay. Những giải pháp mà UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, cơ quan chuyên ngành cần phải tập trung thực hiện hiện nay là, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng (PCCR) và đầu tư khoa học - kỹ thuật để trồng rừng mang tính bền vững.

Các ngành chức năng kiểm tra chất lượng rừng trồng của người dân
Các ngành chức năng kiểm tra chất lượng rừng trồng của người dân

Còn nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên, diện tích đất rừng quy hoạch lâm nghiệp của địa phương khoảng 276.046ha, chiếm gần 55% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích đất có rừng khoảng 218.180ha. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 1.180ha và hơn 3.000ha rừng bị chết do nắng hạn kéo dài. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 280 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ngành Kiểm lâm đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 44 vụ, xử lý vi phạm hành chính 222 vụ, tịch thu 172m3 gỗ tròn, 288m3 gỗ xẻ, tổng số tiền thu được qua xử lý vi phạm là hơn 3,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Khó khăn nhất hiện nay đối với huyện là việc giao đất lâm nghiệp còn có sự chồng lấn. Cụ thể như chồng lấn ranh giới sử dụng đất của khoảng 25 hộ dân ở xã Phước Tân với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa với diện tích hơn 500ha. Nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất và điểu chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh có sự chênh lệch về diện tích. Vấn đề không thống nhất số liệu còn do tiêu chí xác định các loại đất, loại rừng giữa ngành NN&PTNT và Tài ngyên và Môi trường (TN&MT), mỗi ngành cập nhật thống kê theo tiêu chí riêng…

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, năm 2013, tỉnh có quyết định giao lại trên 10.000ha từ đất rừng phòng hộ cho địa phương ở huyện Đồng Xuân quản lý. Để bảo đảm điều kiện giao đất cho dân quản lý thì bắt buộc phải đo đạc lại. Tuy nhiên, do kinh phí đo đạc quá lớn, nên địa phương chưa triển khai giao đất, cho thuê đất rừng để các hộ dân thiếu đất sản xuất quản lý, khai thác. 

 Chính việc chậm trễ này mà hiện nay, có nhiều diện tích đất rừng do địa phương quản lý đã bị lấn chiếm trái phép. Cụ thể, tại xã Phú Mỡ đã có khoảng 100ha đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm làm rẫy. Huyện đang xây dựng phương án để cưỡng chế thu hồi số diện tích trên. Đối với các vụ phá rừng mới phát sinh, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Kiểm lâm huyện, Công an huyện xác định đối tượng, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm.

Phát triển rừng theo hướng bền vững

Trước những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCR trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn; các ngành chức năng và địa phương tiếp tục ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp; xây dựng phương án chuyển loại rừng sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; lập phương án, kế hoạch và triển khai giao rừng, cho thuê rừng...

Hiện tại, Sở NN&PTNT cũng đã xây dựng và tham mưu cho tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng; hỗ trợ mô hình giống cây lâm nghiệp; nghiên cứu những loại cây khó bắt lửa để triển khai trồng làm băng cản lửa. Đặc biệt, yêu cầu các chủ rừng cần đầu tư khoa học kỹ thuật để trồng rừng mang tính bền vững và đạt năng suất, chất lượng cao…


Tin cùng chuyên mục