Tham gia Liên hoan có 11 đoàn các huyện, thị xã, thành phố. Mỗi đoàn tham gia 5 tiết mục, gồm 2 phần: Hát (đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca); trình diễn nhạc cụ dân tộc (độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu và hòa tấu).
Các đoàn nghệ nhân đã cống hiến cho khán giả nhiều tiết mục mãn nhãn cả phần âm nhạc lẫn nghệ thuật trình diễn, mang đậm tinh thần tự do, phóng khoáng, nhưng cũng đầy lãng mạn, trữ tình của những chủ nhân Trường Sơn - Tây Nguyên. Nhiều tiết mục nhận những tràng vỗ tay tán thưởng của đông đảo khán giả và các đoàn nghệ nhân.
Các tiết mục tham gia Liên hoan có nội dung phong phú, phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần, truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc; tình yêu quê hương, đất nước, những thành tựu trong lao động sản xuất và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau 2 ngày diễn ra Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai, Lễ bế mạc đã tôn vinh các tiết mục xuất sắc. Ban Tổ chức đã trao tổng cộng 42 giải cho các tiết mục xuất sắc của cá nhân, tập thể, gồm 15 giải hát ru, hát dân ca; 20 giải trình diễn nhạc cụ các dân tộc và 7 giải toàn đoàn. Đoàn Ia Grai xuất sắc giành giải A toàn đoàn, huyện Chư Pah đạt giải B; 2 đoàn Tp. Pleiku và thị xã Ayun Pa cùng đạt giải C. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao 3 giải Khuyến khích cho các đoàn: Mang Yang, Đak Pơ, Kbang.
Tại Lễ bế mạc đã công diễn 7 tiết mục đạt giải cao tại Liên hoan, như: Đơn ca “Chờ mẹ dệt vải” (đoàn Đak Pơ); tam ca “KuK kông bơr tôk bre mai” (đoàn Ia Grai), tốp nữ “Lập xuân ca” (dân tộc Tày, đoàn Mang Yang); đơn ca “Ơ ơ Mõ”, (Ơi hỡi em), hòa tấu “Chiến thắng Chư Păh” (đoàn Chư Păh) hát giao duyên “Cùng nhau đi hái cà đắng, lá mì” (đoàn Tp. Pleiku); tam ca “Đam Thơi” (đoàn thị xã Ayun Pa).