Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Gia Lai: Đại biểu trẻ đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024

Ngọc Thu - 06:30, 08/11/2024

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai, lần thứ IV, năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 9/11. Là những đại biểu trẻ tuổi lần đầu tiên tham dự Đại hội, đây vừa là niềm vinh dự vừa là trách nhiệm, đại diện cho đồng bào các DTTS tại địa phương gửi gắm niềm tin, kỳ vọng công tác dân tộc của tỉnh sẽ tiếp tục đạt được kết quả cao thông qua việc thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Đại biểu Siu Giới (Dân tộc Gia Rai, năm sinh 1990, Chủ tịch Hội nông dân phường Trà Bá, TP. Pleiku)
Đại biểu Siu Giới, dân tộc Gia Rai, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trà Bá, Tp. Pleiku

Đại biểu Siu Giới (Dân tộc Gia Rai, sinh năm 1990, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trà Bá, Tp. Pleiku)

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Gia Lai, lần thứ IV, năm 2024 là sự kiện chính trị quan trọng, là diễn đàn để đồng bào gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Đảng và Nhà nước; là biểu tượng của khối Đại đoàn kết dân tộc, thể hiện niềm tin của cộng đồng các DTTS vào sự phát triển của tỉnh và đất nước.

Sau Đại hội, tôi mong rằng UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương quan tâm, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia để bà con được thụ hưởng chính sách kịp thời. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình hiệu quả; áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.

Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề theo nhu cầu cho người lao động nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với đó, làm tốt công tác vận động đồng bào DTTS tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, theo cộng đồng để nâng giá trị sản phẩm, hướng tới nền sản xuất bền vững.

Đại biểu Giang Siu Kpă Thy (áo đỏ ở giữa) trao đổi thông tin cùng các đồng nghiệp
Đại biểu Giang Siu Kpă Thy (áo đỏ ở giữa) trao đổi thông tin cùng các đồng nghiệp

Đại biểu Giang Siu Kpă Thy (Dân tộc Ba Na, sinh năm 1994, chuyên viên Phòng Dân tộc huyện Đak Đoa)​

Tôi kỳ vọng, sau Đại hội này, công tác dân tộc giai đoạn 2024 - 2029 của tỉnh sẽ lên một tầm cao mới. Tỉnh Gia Lai sẽ cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Quyết tâm thư của Đại hội, tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt, tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Đặc biệt, tôi tin tưởng thông qua các chính sách dân tộc, nguồn lực từ 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới sẽ giúp các địa phương có nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm; hỗ trợ cây, con giống, phát triển các mô hình phát triển kinh tế; xóa nhà tạm, dột nát, tạo sinh kế… Qua đó, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới, đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra. Từ đó, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của địa phương.

Chị Đinh Thị Đách ( đứng thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng đồng nghiệp tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc 2024
Chị Đinh Thị Đách (đứng thứ 2 từ trái sang) trò chuyện cùng đồng nghiệp tại Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc 2024

Đại biểu Đinh Thị Đách (Dân tộc Ba Na, sinh năm 1992, Phó Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Đông, huyện Kbang)

Tôi kỳ vọng từ những kết quả thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình MTQG để đạt được các mục tiêu quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III, Đại hội lần này sẽ tiếp tục có những mục tiêu lớn hơn, với quyết sách phù hợp với tình hình thực tế trong vùng đồng bào DTTS. Cá nhân tôi mong muốn các cấp, các ngành dành nhiều quan tâm hơn đến vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc; đưa văn hóa dân tộc vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa, các câu lạc bộ sinh hoạt truyền thống, các nghệ nhân truyền nghề trong các buôn làng,  giúp đồng bào DTTS có thu nhập từ chính việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, từ thực tế cho thấy, việc thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, có sự tham gia của cộng đồng là điều quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này cũng mang lại lợi ích to lớn trong thúc đẩy kinh tế - xã hội mỗi địa phương, quan trọng là người dân được hưởng lợi từ chính di sản của cộng đồng.

Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Đại hội nên rất mong chờ. Đại hội là dịp để chúng tôi được giao lưu, học hỏi; là “nhịp cầu” để chúng tôi kết nối, đoàn kết xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc, kiến thiết quê hương ngày càng phát triển.