Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gia Lai liên kết để phát triển cây chanh dây bền vững

Hoà Bình - 15:11, 07/09/2023

Để cây chanh dây phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, tỉnh Gia lai đang hướng dẫn người dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất, liên kết với hợp tác xã để thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tỉnh Gia Lai chú trọng chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu
Tỉnh Gia Lai chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu

Gia Lai hiện có gần 4.500 ha chanh dây, năng suất bình quân đạt khoảng 36,2 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 150 ngàn tấn/năm, tập trung ở các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Chư Pưh. Trong đó, 2.472 ha được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 2.495 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, diện tích chanh dây được quy hoạch đến năm 2025 của Gia Lai khoảng 20.000 ha và đến năm 2030 khoảng 25.000 - 30.000ha.

Nhiều năm gắn bó với cây chanh dây, anh Hoàng Huy Hùng (làng Ko, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh) chia sẻ: Chanh dây dễ trồng, khoảng 5 tháng là cho thu hoạch, kéo dài 4 - 5 đợt, vì vậy gia đình đã quyết định trồng 7 ha chanh dây. Trồng chanh dây nhanh thu hoạch, tuỳ thuộc vào thị trường tầm 7 - 8.000 đồng/kg là có lời, còn trồng theo kỹ thuật để xuất khẩu tầm 27 - 30.000 đồng/kg. Kinh phí đầu tư khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha. Khi thu hoạch, chúng tôi được doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) thu mua sản phẩm bán hàng chất lượng cao để xuất khẩu. Nếu tính với giá bán 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”.

Những trái chanh dây căng tròn chờ ngày thu hoạch
Những trái chanh dây căng tròn chờ ngày thu hoạch

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông, cho biết: Hiện tại, HTX liên kết với khoảng 300 hộ dân của các xã trên địa bàn canh tác 230 ha chanh dây. Người dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường. Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Năng suất chanh dây bình quân đạt trên 45 tấn/ha, được HTX thu mua với giá loại 1 (chanh Âu) hơn 30 ngàn đồng/kg, chanh loại 2 hơn 20 ngàn đồng/kg và chanh xô 12-17 ngàn đồng/kg.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa thu mua chanh dây (xô) của nông dân tại huyện Chư Păh
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa thu mua chanh dây (xô) của nông dân tại huyện Chư Păh

HTX đang liên kết tiêu thụ chanh dây với Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã xây dựng 2 mã vùng trồng chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp 12 mã vùng trồng cho 300 ha chanh dây. Dự kiến năm 2023, HTX mở rộng diện tích liên kết lên 600-700 ha. HTX đang phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có mã vùng trồng để chính thức xuất khẩu chanh dây sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Tương tự, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) cũng là một điển hình trong liên kết với nông dân để tiêu thụ sản vật địa phương. Những năm qua, HTX thu về hàng tỷ đồng nhờ xuất khẩu sản phẩm chanh dây tươi sang Pháp và Thụy Sĩ. Đến nay, HTX đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 126,4 ha. Đồng thời, HTX cung cấp ra thị trường các sản phẩm gồm: chanh dây tươi xuất khẩu, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh dây, chanh dây sấy dẻo, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây… Mỗi năm, HTX thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Năm 2022, HTX đã xuất khẩu 196 tấn chanh dây.

Giám đốc HTX Đỗ Thị Mỹ Thơm chia sẻ, để nâng cao giá trị quả chanh dây Gia Lai, HTX đầu tư mở rộng các kênh bán hàng thương mại điện tử, đồng thời đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất chanh dây của tỉnh. Theo thống kê của Sở Công thương, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi, nước ép hoa quả của tỉnh ước đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm xuất khẩu đa dạng như: chanh dây quả, dịch chanh dây cấp đông, nước ép chanh dây, hoa quả đông lạnh (chuối, xoài, dứa, thanh long, bắp ngọt...). Thị trường xuất khẩu mở rộng, đặc biệt là các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chanh dây gồm: Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group.

Quy trình lựa chọn chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai
Quy trình lựa chọn chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai

Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng chanh dây để hướng đến xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 32 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích hơn 877 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh cho biết: Nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp huyện là quy hoạch, phát triển vùng để hình thành các tổ chức liên kết trong nông dân; đồng thời, tập huấn cho bà con nông dân nắm được quy trình canh tác theo yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu cũng như tìm kiếm các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết với người dân đưa quả chanh dây xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, huyện cũng đang tiến hành rà soát những diện tích trồng chanh dây lớn, tập trung để xem xét hỗ trợ người dân trong việc cấp mã số vùng trồng.

Để cây chanh dây phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: Cần phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp giới thiệu, lựa chọn những HTX, tổ hợp tác có thể liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây với các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.