Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Gia Lai: Chanh dây được mùa, được giá

P. Ngọc (T/h) - 10:21, 24/09/2021

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông sản của bà con nông dân khó khăn trong khâu tiêu thụ, theo đó giá cả bị thấp hơn mọi năm. Trong khi đó, cây chanh dây của bà con nông dân ở Gia Lai vừa được mùa, lại được giá, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang phấn khởi khi thu hoạch cây chanh dây vì vừa được mùa, vừa được giá.
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang phấn khởi khi thu hoạch cây chanh dây vì vừa được mùa, vừa được giá.

Gia đình ông Trần Văn Lê, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh có 01 sào chanh dây cho quả to, chất lượng tốt, dự kiến cho sản lượng thu được khoảng 04 tấn, nhiều người liên tục đặt hàng để mua với giá 22.000 đồng/kg. Với năng suất và giá ổn định như vậy, chỉ 01 sào chanh dây gia đình anh dự kiến có lãi khoảng 70 triệu đồng, sau khi đã trừ mọi chi phí. 

“Đây là lần đầu tiên gia đình tôi trồng chanh dây, rất được mùa, lại được giá nữa. Giá liên tục tăng, từ 6.000 đồng/kg, hiện nay là hơn 20.000/kg, chúng tôi rất vui mừng. Vụ sắp tới, gia đình tôi sẽ đầu tư trồng thêm để tăng thêm thu nhập”, ông Lê vui mừng cho biết.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Hồng Sinh (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) thì chia sẻ: Những tháng gần đây, giá chanh dây trên thị trường tăng cao hơn năm ngoái. Nếu chanh đẹp đủ tiêu chuẩn xuất sang châu Âu được thương lái thu mua với giá tới 40.000 đồng/kg, chanh mức thấp nhất cũng đạt 6.000-7.000 đồng/kg. Với 7 sào chanh dây, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng.

Gia đình ông Lê, ông Sinh là hai trong hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang vui mừng, phấn khởi trước những "trái ngọt" từ việc trồng chanh leo mang lại. 

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 3.200 ha chanh dây đang vào thời kỳ thu hoạch. Trong đó, diện tích đã thu hoạch được khoảng 1.806 ha với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 7.224 tấn. Trong đó, huyện Đak Đoa có gần 400 ha chanh dây của người dân và một số hộ liên kết với Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai; huyện Chư Pưh có hơn 170 ha.

Ngoài ra, việc trồng chanh dây tại nhiều địa phương được hỗ trợ triển khai theo mô hình tạo chuỗi liên kết giữa Công ty Kinh doanh cổ phần với hợp tác xã. Với cách thức triển khai bài bản, khoa học nên chanh dây phát triển rất tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Cũng tại Chư Pưh, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Chư Pưh đã triển khai mô hình trồng chanh dây ở xã Ia Kla với nguồn vốn đầu tư khoảng 01 tỷ đồng, giúp bà con có thu nhập theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Qua triển khai, mô hình đã thu được những kết quả đáng mừng. 

Đặc biệt với giá chanh dây hiện nay đang tăng cao đã mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho nhiều nông dân; Giúp bà con cải thiện đời sống, có điều kiện đầu tư tái sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Ngoài tiêu thu tại thị trường trong nước, chanh dây Gia Lai còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu, có giá từ 35.000 đồng/kg trở lên, có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg.

Với việc trồng chanh dây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại và chu kỳ sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác, nhất là với những địa phương cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tuy nhiên, để cây chanh dây phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải chủ động liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng vùng nguyên liệu. Cùng với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chế biến từ chanh dây Gia Lai.