Chỉ tính từ ngày 1/9 đến 9/10, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 200 trường hợp là các em nhỏ vào nhập viện với biểu hiện buồn nôn, đau đầu, sốt và được chẩn đoán viêm màng não do virus, trong đó phần lớn nguyên nhân do virus Enterovirus (EV) gây ra. Ngoài gây tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay - chân - miệng.
Đau đầu dữ dội do viêm màng não
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đang điều trị cho nhiều trẻ em mắc viêm màng não do virus. Nằm trong cùng một phòng bệnh là cháu Đào Mạnh T. (8 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm) và cháu Nguyễn Bảo N. (4 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ), Hà Nội, đều được chẩn đoán mắc viêm màng não do virus EV.
Theo lời kể của mẹ cháu Bảo N., cách đây 4 ngày, đang ăn cơm tối cháu N. kêu đau bụng, buồn nôn, đến 22h đêm cháu kêu đau đầu, ngủ đến 2h sáng cháu tỉnh dậy và liên tục kêu đau đầu. Tới 5h sáng gia đình gọi taxi đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trường hợp cháu Đào Mạnh T. không có biểu hiện buồn nôn mà chỉ kêu đau đầu, gia đình cho con uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. “Trưa 19/10 đi làm về thấy con đau đầu gào khóc dữ dội nói “con đau quá”, em chẳng kịp làm gì bắt xe đưa cháu vào thẳng đây luôn. Khi có kết quả con bị viêm màng não, em sợ lắm. Nhưng may mắn con đến viện sớm nên sau 1 ngày điều trị, triệu chứng đau đầu của con giảm dần”, mẹ của cháu T kể. Theo người mẹ trẻ, tại lớp học của con cũng có bạn nghỉ ốm vì sốt, đi khám có kết quả sốt virus, chưa có bạn nào bị viêm màng não.
Theo ThS.BS Lê Thị Yên, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cả hai cháu khi vào nhập viện trong tình trạng nặng của bệnh viêm màng não, chọc dịch não tuỷ xét nghiệm PCR dương tính với EV. Sau 4 ngày điều trị theo phác đồ viêm màng não do virus, cả hai đã hết đau đầu, tỉnh táo và không có biến chứng.
Theo BS Yên, nhiều trẻ vào nhập viện khi có kết quả xét nghiệm mắc viêm màng não do virus EV lại không có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy. EV là một họ virus đường ruột, gồm nhiều loại virus khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. EV chủ yếu lây qua đường tiêu hoá, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải virus qua phân hoặc qua các dịch tiết của đường miệng, từ đó lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay- chân – miệng.
Phụ huynh cần thông báo bệnh của con với cô giáo
TS.bs Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm màng não do virus là tình trạng viêm màng não do căn nguyên virus gây nên, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nếu do virus đường ruột hay lây lan ở nhóm trẻ tuổi nhỏ. Nếu ở trẻ lớn, thường gây ra triệu chứng nặng nề là đau đầu. Bệnh có thể lây lan tạo thành các ổ dịch nhỏ. Đến nay bệnh chưa thấy có biến chứng đặc biệt, bệnh thường lành tính, điều trị khoảng 3-5 ngày là xuất viện, chỉ một số ít biến chứng nặng, có thể suy tuần hoàn, suy hô hấp phải thở oxy, thở máy.
Theo BS Hải, năm nay xác định số lượng ca bệnh khá lớn viêm màng não do nhóm virus đường ruột EV. Triệu chứng của bệnh là sốt, buồn nôn, đau đầu, cổ cứng, kèm theo rối loạn tiêu hoá. Nhiều cha mẹ khi thấy con sốt, tiêu chảy lại nghĩ đến con bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo BS Hải, nếu trẻ sốt, nôn, tiêu chảy, đau đầu… khám lâm sàng bác sĩ sẽ lưu ý liệu có viêm màng não hay không, đặc biệt ở nhóm trẻ mẫu giáo. Căn nguyên gây viêm màng não virus thường gặp nhất bao gồm: Enterovirus (EV), Herpesvirus, nhóm Arbovirus (virus viêm não Nhật Bản, virus sốt xuất huyết…). Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ chọc dịch não tuỷ của bệnh nhân và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên virus.
Theo các bác sĩ, hiện bệnh viêm màng não do EV chưa có thuốc đặc trị, đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, chính vì vậy, để phòng bệnh cho con, cha mẹ và người chăm sóc cần hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt hơi, đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng. Vệ sinh đồ chơi chung, giữ môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan virus.
Trước việc viêm màng não do virus EV dễ lây lan ở nhóm trẻ mầm non, tiểu học, TS.BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, vệ sinh cá nhân cho trẻ là rất quan trọng, nhưng cha mẹ cũng cần thay đổi cách nhìn nhận, đó là khi con ốm xin nghỉ cần báo với cô giáo nếu con mắc bệnh truyền nhiễm để nhà trường có biện pháp phòng bệnh, vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, sàn nhà, bát đũa ăn uống… tránh lây lan sang cho các học sinh khác. Khi con có các biểu hiện sốt, nôn, đau đầu không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ đừng chần chừ mà cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.