Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giá trị di sản nhìn từ Công viên địa chất Lý Sơn

PV - 15:27, 09/10/2018

Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vừa phối với Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị thông tin Công viên địa chất Lý Sơn với sự tham gia của nhiều chuyên gia có tên tuổi ở trong nước và quốc tế. Những thông tin từ Hội nghị nhằm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, đồng thời phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Ngãi theo hướng bền vững.

Lý Sơn Hang Câu, một kiến tạo địa chất, địa mạo thiên nhiên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Trang

Những giá trị di sản Công viên địa chất Lý Sơn

Công viên địa chất Lý Sơn ban đầu được xây dựng trên diện tích 100km2, dân số 70.000 người, bao gồm đảo Lý Sơn và vùng phụ cận. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đây là khu vực có giá trị địa chất, địa mạo kỳ thú, văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học hấp dẫn.

Trong thời gian từ 2015-2018, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, điều tra, nghiên cứu các vùng Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng, Đức Phổ… Qua đó có nhìn nhận, phát hiện đầy đủ hơn về Công viên địa chất Lý Sơn.

Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở rìa Đông Bắc của địa khu biến chất cao đa kỳ Kon Tum, là khối cấu trúc móng cổ thuộc rìa Đông Bắc của mảng Indochina (một trong những địa mảng cấu tạo nên vỏ trái đất). Một số khu vực trong Công viên địa chất thể hiện rất rõ những đặc điểm của khối cấu trúc móng cổ như miệng núi lửa Thới Lới, Lý Sơn, có đường kính đáy 1,4km và đường kính miệng núi lửa ở đỉnh là 0,35km, bờ miệng núi lửa cao 20-40m. Miệng núi lửa và dòng dung nham phun theo miệng này đã xuyên và phủ lên các trầm tích có nguồn gốc núi lửa tuổi cổ hơn. Ngoài ra, còn có núi lửa Hòn Sỏi, núi lửa Hòn Tai, Hòn Vung, Cù lao Bờ Bãi, Nghĩa địa san hô Cối Xay…

Ngoài Lý Sơn, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng có địa chất, địa mạo đa dạng sẽ đưa vào Công viên địa chất Lý Sơn như núi Cà Đam (huyện Trà Bồng)-ngọn núi có độ cao 1.431m so với mực nước biển, nhiệt độ hằng năm từ 21-230C, hệ động, thực vật đa dạng và phong phú.

Không chỉ tạo nên giá trị về địa chất, địa mạo, Công viên địa chất Lý Sơn còn là khu vực văn hóa hòa quyện di sản văn hóa vật thể, phi vật thể từ các dòng chảy văn hóa khác nhau như: Văn hóa thời đồ đá cũ và mới, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chăm pa, Văn hóa Đại Việt,… sự cộng cư các dân tộc Kinh, Hrê, Cor, Xơ đăng tạo nên sắc màu văn hóa và các lễ hội truyền thống phong phú, đa dạng.

Hoàn tất hồ sơ đệ trình UNESCO

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Việt Nam cam kết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, trong đó có nội dung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là một nội dung quan trọng. Với những di sản hiện có của tỉnh Quảng Ngãi, mô hình Công viên địa chất là hướng đi phù hợp và cần thiết, phát triển theo hướng bền vững. Việc mở rộng lãnh thổ công viên được triển khai nhằm bao hàm 3 trục chính đại diện cho 3 phức hệ sinh thái-văn hóa gồm: Phức hệ thung lũng miền núi (Quảng Ngãi-Trà Bồng), Phức hệ đồng bằng duyên hải (Quảng Ngãi-Sa Huỳnh) và Phức hệ biển đảo (Quảng Ngãi-Lý Sơn). Theo lộ trình, hồ sơ sẽ được hoàn tất và đệ trình UNESCO trước ngày 30/11/2019.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: “Việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn là một công viên địa chất toàn cầu của UNESCO sẽ tạo động lực phát triển ngành Du lịch bền vững, tạo giá trị cho những sản phẩm của cộng đồng địa phương”.

Còn TS. Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN chia sẻ, trước hết, tỉnh Quảng Ngãi cần kiểm tra các giá trị di sản địa chất có giá trị quốc tế; tiến hành khảo sát người dân và chính quyền có thực sự quan tâm và đã sẵn sàng tham gia Đề án này chưa. TS. Guy Martini cho rằng: “Phát triển công viên địa chất phải có sự hợp tác của chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của cộng đồng và người dân địa phương để phát huy di sản văn hóa khu vực”.

Được biết, trong suốt thời gian lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã xây dựng phim giới thiệu Công viên địa chất Lý Sơn, tham vấn cộng đồng trình đổi tên thành Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh, tên tiếng Anh Ly Sơn Sa Huynh Geopark và đang trình lên UNESCO để xin đổi tên. Mới đây, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã đưa vào vận hành website www.lysonsahuynhgeopark.com, đồng thời, xuất bản 2 số bản tin bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh để mở đầu cho chiến dịch truyền thông về Công viên địa chất Lý Sơn.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.