Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Gia Viễn (Ninh Bình): Chi 15 tỷ đồng xây chợ cạnh nghĩa địa...5 năm chưa họp một lần!

Thiên An - 16:01, 19/07/2021

“Không hiểu vì sao lãnh đạo từ xã đến huyện lại cho xây khu chợ ngay giữa cánh đồng, trước mặt là nghĩa trang, bốn bên là mồ mả!. 5 năm qua, chợ chưa một lần mở cửa, chúng tôi chỉ thấy xót xa cho số tiền ngân sách 15 tỷ đồng đầu tư lãng phí". Đó là chia sẻ của người dân xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển.

Cỏ dại mọc khắp nơi khiến khu chợ hoang tàn và lạnh lẽo!
Cỏ dại mọc khắp nơi khiến khu chợ hoang tàn và lạnh lẽo!

Để "mục sở thị" chúng tôi đã tìm về Gia Tiến. Từ chỉ dẫn của người dân, chúng tôi được tận mắt chứng kiến toàn bộ khu chợ đầu mối nằm "trơ trọi" giữa cánh đồng; xung quanh khu chợ khang trang này là mồ mả bao vây. 

Do bị bỏ hoang lâu ngày, nhiều hạng mục của chợ đã xuống cấp, cỏ dại, nước tù đọng khắp nơi. Nhìn khu chợ hoang tàn, heo hút bên cạnh khu nghĩa trang sau nhiều năm không đi vào hoạt động, người dân ngao ngán thốt lên rằng: “Chính quyền xây chợ cho… "ma họp".

Theo kế hoạch của UBND huyện Gia Viễn, việc xây dựng chợ đầu mối Gia Tiến, nhằm mục đích giúp người dân các xã: Gia Tiến, Gia Phương, Gia Thắng, Gia Tân và vùng lân cận tiêu thụ nông sản, tăng cường giao thương phát triển kinh tế. 

Chợ đấu mối Gia Tiến được thi công năm 2015, quy mô rộng trên 3.200 m2, với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Sau một năm xây dựng, khu chợ khang trang hoàn thành, với khu nhà điều hành 2 tầng có nhiều phòng chức năng và dãy ki ốt trong nhà, dãy ki ốt ngoài sân có mái che kiên cố.

Nhờ có khu chợ đầu mối này mà xã Gia Tiến đủ tiêu chí, đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Nhưng từ khi hoàn thành (năm 2016) đến nay, khu chợ có vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đồng này chưa một lần mở cửa?!. 

Ông Đỗ Hữu Thanh, Chủ tịch UBND xã Gia Tiến cho biết: Mục đích xây dựng ban đầu của chợ đầu mối là theo mô hình nông thôn mới, khi hoàn thành sẽ thu mua nông sản của 4 xã trong huyện Gia Viễn. Nhưng khi chợ xây xong, do mô hình trồng màu của bà con khá manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên không đáp ứng được nhu cầu thu mua số lượng lớn của thương lái.

Trách nhiệm thuộc về ai khi khu chợ tiêu tốn 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước hiện đang nằm "đắp chiếu"
Trách nhiệm thuộc về ai khi khu chợ tiêu tốn 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước hiện đang nằm "đắp chiếu"

Trước thực trạng này, xã Gia Tiến đã có ý kiến lên huyện Gia Viễn xin chuyển đổi mục đích sử dụng của chợ đầu mối thành chợ dân sinh và vận động bà con vào họp tại chợ nông sản mới để tránh lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Anh Tú, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Viễn cho biết: Dự án chợ đầu mối Gia Tiến được quy hoạch, đầu tư, xây dựng thuộc về… nhiệm kỳ trước. Vì thế, nhiều thông tin về dự án đến nay vẫn chưa được nắm rõ!?. Lãnh đạo huyện cũng đang có chủ trương xử lý khu chợ này. 

Theo ông Tú, có thể, sẽ chuyển chợ ở trên đê của xã Gia Tiến về đây họp; hoặc giao cho xã Gia Tiến xem đề xuất phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu chợ đầu mối này.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, cùng với chợ đầu mối Gia Tiến của huyện Gia Viễn, thì hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang còn nhiều công trình tiêu tốn tiền tỷ đồng ngân sách nhưng vẫn đang “đắp chiếu”. Có thể kể đến như: cầu Khê Đầu Hạ thuộc dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, hay Trường đại học Hoa Lư được phê duyệt 420 tỷ đồng… 

Điều này khiến người dân địa phương rất bức xúc và đặt câu hỏi: Để những công trình được đầu tư từ ngân sách Nhà nước này nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay, thì hướng xử lý của chính quyền như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai?.

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.