Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Tây Nguyên: Nút thắt là không còn quỹ đất (Bài 2)

Lê Hường - 10:55, 17/12/2020

Nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo các quyết định của Chính phủ không nhỏ, nhưng khi đi vào thực tế việc cấp đất cho dân lại không hiệu quả, khó triển khai và nhiều vướng mắc. Tính đến nay, đã gần 20 năm triển khai các quyết định cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, nhưng tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn tồn tại dai dẳng …

Nhiều hộ được cấp đất nhưng sản xuất không hiệu quả vì đất cằn cỗi
Nhiều hộ được cấp đất nhưng sản xuất không hiệu quả vì đất cằn cỗi

Quỹ đất không còn

Mục đích của việc cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, là để giúp dân có tư liệu sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều địa phương, quỹ đất để cấp cho người dân sản xuất là không còn.

Ghi nhận tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk cho thấy, theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, toàn huyện hiện còn 260 hộ thiếu đất sản xuất và 307 hộ thiếu đất ở. Tuy nhiên, đến nay, huyện không thể triển khai thực hiện cấp đất do quỹ đất không còn.

Khó khăn lớn nhất nhiều năm qua là không có quỹ đất nên huyện không thể thực hiện được quyết định 755/QĐ-TTg và 2085/QĐ-TTg.
Ông Y Si Thắt Ksơr
quyền Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk

Tương tự, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã tiến hành rà soát, hỗ trợ đất sản xuất cho 41 hộ dân tại 3 xã Ia Din, Ia Krêl và Ea Dom.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Độ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đức Cơ thì, trên địa bàn huyện vẫn còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, nhưng quỹ đất của địa phương không còn nên việc triển khai cấp đất cho đồng bào DTTS rơi vào bế tắc.

Vì quỹ đất không còn nên các địa phương phải tính đến việc thu hồi chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt giao cho dân sản xuất. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của quyết định 132/QĐ-TTg và 134/QĐ-TTg về việc các địa phương có thể thu hồi, chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt để cấp cho dân. Tuy nhiên, đất thu hồi từ đất rừng nghèo kiệt nên đa phần đất xấu, xa nước không phù hợp để sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử, năm 2003, thực hiện Quyết định 132/QĐ-TTg của Chính phủ, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk quy hoạch 5 buôn Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kniêl, Ea Kruê, Ea Kal của xã Vụ Bổn để cấp cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Đặc thù đất ở khu vực này là đất chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt nên không phù hợp để phát triển nông nghiệp.

Vì vậy, chỉ làm được thời gian ngắn, gần 30 hộ đồng bào DTTS nghèo buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông được cấp đất ở xã Vụ Bổn, lần lượt bỏ về buôn cũ vì đất đá bạc màu không canh tác được. Người bám trụ ở lại cũng phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống.

Những năm gần đây, tại Đăk Lăk, ngoài số hộ được cấp đất sản xuất theo Quyết định 132/QĐ-TTg và 134/QĐ-TTg thì các Quyết định 755/QĐ-TTg và 2085/QĐ-TTg về cấp đất sản xuất cho đồng bào đều không thực hiện được. Chưa kể, Quyết định 2085/QĐ-TTg đã có sự điều chỉnh không thu hồi đất rừng nghèo kiệt mà tìm quỹ đất sạch, phù hợp phát triển nông nghiệp khiến việc cấp đất sản xuất càng khó khăn hơn.

Không riêng ở Đăk Lăk nhiều địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên cũng đang cấp đất xấu không canh tác được cho đồng bào DTTS nghèo. Điển hình như TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, năm 2005 triển khai cấp đất cho 1.309 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất theo Quyết định 132 và 134/QĐ-TTg, nhưng nhiều người dân cũng bỏ hoang vì đất xấu.

Khó thu hồi, chuyển đổi đất

Không chỉ thiếu quỹ đất, khi triển khai giải pháp thu hồi đất từ các công ty, nông, lâm trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại Gia Lai, theo báo cáo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, một trong những nguyên chính dẫn tới việc không bố trí được đất sản xuất cho người dân, là do khó khăn trong công tác thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ phía các nông, lâm trường.

Gia đình ông Y Thúc, buôn Ea Kmăt được cấp đất nhưng đành bỏ vì không canh tác được
Gia đình ông Y Thúc, buôn Ea Kmăt được cấp đất nhưng đành bỏ vì không canh tác được

Cụ thể, hiện nay nhiều công ty, nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh dù hoạt động không hiệu quả nhưng lại rất khó để thực hiện thu hồi đất. Một số địa phương tiến hành thu hồi được nhưng chỉ những phần đất xấu, ở xa không canh tác nông nghiệp được; còn một số nơi thì thu hồi xong lại vướng thủ tục chuyển đổi đất. Trong khi, đất chuyển nhượng trong Nhân dân, kinh phí hỗ trợ của nhà nước quá thấp so với giá thị trường…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg của Chính phủ,  huyện chỉ có khoảng 10 hộ đồng nghèo DTTS nghèo thiếu đất sản xuất, nên phòng không đưa vào kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, đến nay số hộ thiếu đất tăng lên rất nhiều do cặp vợ chồng trẻ tách hộ mà gia đình không có đất để chia. Hiện, huyện đang tiến hành rà soát để tổng hợp số liệu hộ thiếu đất sản xuất và quỹ đất để thực hiện Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai hiệu quả.

“Để có đất cấp cho đồng bào DTTS trên địa bàn, huyện chỉ còn trông chờ vào đất rừng không còn hiệu quả của các công ty, nông, lâm trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất này rất khó và phải được sự cho phép từ Trung ương”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Tương tự, tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, ông Y Si Thắt Ksơr, quyền Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã làm văn bản trình các cấp xin thu hồi, chuyển đổi đất rừng không còn rừng từ các Công ty, nông, lâm trường để có quỹ đất giao cho dân, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Địa phương mong muốn, Chính phủ sớm có chủ trương cho phép địa phương thu hồi một số diện tích đất từ các công ty, nông, lâm trường để giao lại cho hộ nghèo người đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất…

Với những vướng mắc trên, tính đến nay, đã gần 20 năm triển khai các quyết định cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo nhưng tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn tồn tại dai dẳng …