Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nan giải bài toán định canh, định cư

Tùng Nguyên - 11:14, 27/11/2020

Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp với nhiều hình thái thiên tai cực đoan, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất, đang làm gia tăng nguy cơ thu hẹp quỹ đất. Điều này khiến việc thực hiện mục tiêu bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho người dân vốn đã khó thực hiện nay lại càng gian nan hơn.

Quỹ đất ngày càng bị thu hẹp trước biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)
Quỹ đất ngày càng bị thu hẹp trước biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Quỹ đất ngày càng thu hẹp

Xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị bao vây bởi 3 con sông Vu Gia, Thu Bồn và Quảng Huế, nên mỗi mùa mưa lũ, nước sông dâng cao gây ngập lụt cho hàng trăm nhà dân. Thiên tai đi qua đã làm hư hỏng nhiều công trình xây dựng cơ bản. 

Chưa hết, nhiều diện tích đất sản xuất bị xói lở bồi lấp khiến việc canh tác của người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Trong đợt mưa lũ hồi tháng 10 và tháng 11 vừa qua, theo báo cáo của UBND xã Đại Cường, toàn xã có 20ha đất sản xuất tại khu vực thôn Khương Mỹ, Ô Gia bị bồi lấp, xói mòn. 

Tương tự xã Đại Cường của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), xã Triệu Giang của huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cũng mất rất nhiều diện tích đất canh tác sau trận lũ lịch sử vừa qua. Chỉ tính riêng thôn Trà Liên Đông của xã Triệu Giang, toàn thôn có 31ha thì có đến 23ha bị đất, cát vùi lấp, có nơi lượng bùn dày hơn 1,2m. Điều này đồng nghĩa chừng ấy diện tích đất canh tác rất khó phục hồi để sản xuất trong thời gian tới.

Việc mất đất sản xuất sau mưa lũ ở xã Triệu Giang hay xã Đại Cường là thực trạng chung ở nhiều địa phương miền Trung sau đợt mưa lũ vừa qua. Chuyến khảo sát của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam từ ngày 20 - 22/11/2020 tại các tỉnh miền Trung cho thấy, qua đánh giá nhanh, các tỉnh miền Trung đã có khoảng 3.100ha đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, bồi lấp; trong đó nhiều nhất là Quảng Trị, với khoảng 1.500ha.

Rõ ràng, mưa lũ và các hình thái thiên tai khác (hạn hán, xâm nhập mặn…) đang đẩy nhanh quá trình thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa đối với quỹ đất sản xuất nông nghiệp của nước ta. Số liệu đưa ra tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới chống sa mạc hóa, khô hạn năm 2020 tại Việt Nam” diễn ra ngày 17/6 cho thấy, nước ta hiện có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. 

Tình trạng sa mạc hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng đến mức báo động. Trong đó, Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này. 

Mưa lũ vùi lấp nhà cửa, đất canh tác của người dân ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) ngày 21/7/2020
Mưa lũ vùi lấp nhà cửa, đất canh tác của người dân ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) ngày 21/7/2020

Nan giải bài toán định canh

Cùng với thiên tai, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng đang làm thu hẹp quỹ đất sản xuất. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, chỉ tính quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã khiến mỗi năm nước ta mất trên 100.000ha đất nông nghiệp loại tốt, chủ yếu là đất lúa ở các tỉnh đồng bằng. Còn ở các tỉnh miền núi, tình trạng đốt nương làm rẫy, khai thác bừa bãi các mỏ quặng, mỏ than, phát triển thủy điện… cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ. 

Cộng hưởng các yếu tố trên đã khiến nguy cơ quỹ đất bị thu hẹp ngày càng hiện hữu. Hiện có một nghịch lý, là một nước nông nghiệp, có khoảng 70% dân số sinh sống ở nông thôn, nền sản xuất nông nghiệp dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân theo đầu người thấp nhất thế giới. 

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52ha và trong khu vực là 0,36ha.

Diện tích canh tác bình quân theo đầu người vốn đã ít, lại thường xuyên bị sạt lở, vùi lấp… là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân, dẫn tới thực trạng hiện có hàng ngàn hộ dân chưa thể định canh, thậm chí chưa thể định cư. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất chủ yếu tập trung ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi, là những nơi thường dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. 

Trong Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định thu xếp 1.000 tỷ đồng để đưa vào Dự án giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án 2 sẽ sắp xếp ổn định dân cư.

Số liệu được đưa ra tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội diễn ra ngày 30/8/2019 cho thấy, sau hàng chục năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhưng vùng DTTS và miền núi vẫn còn 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; ngoài ra còn có 58.123 hộ thiếu đất ở, 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, cả nước vẫn còn hơn 24.500 hộ đồng bào DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. 

Điều này cho thấy, việc giải quyết bài toán đất ở, đất sản xuất cho người dân là không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, ngoài nguồn lực từ ngân sách thì cần có một hệ thống khung chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp với chiến lược ứng phó với thiên tai có tầm nhìn dài hạn.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.