Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do trước năm 2025

PV - 14:20, 10/12/2018

Ngày 9/12, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương và địa phương cùng tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Còn 24.500 hộ dân di cư tự do chưa có chỗ ở ổn định

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005-2017, trong tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn cả nước khoảng 67.000 hộ thì các tỉnh Tây Nguyên chiếm tới gần 59.000 hộ.Tính đến hết năm 2017, số hộ dân di cư tự do cả nước được sắp xếp chỗ ở ổn định chỉ chiếm khoảng 2/3, số còn lại chưa có chỗ ở ổn định và cũng chủ yếu tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách về bố trí, ổn định dân cư; chỉ đạo các địa phương có giải pháp cụ thể về xây dựng, quy hoạch, lập dự án bố trí dân cư... đã góp phần giảm số dân di cư tự do qua các năm. Nếu như năm 2005, số hộ dân di cư tự do là gần 2.700 hộ thì tính đến năm 2017 chỉ còn 318 hộ.

Trong đó, một số biện pháp được triển khai thực hiện là sắp xếp chỗ ở trong vùng dự án, nhập hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng; bố trí đất ở và đất sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu... Trong giai đoạn 2013-2017, các địa phương đã có 65 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, trong đó có 50/65 dự án đã và đang thực hiện, tổng vốn đầu tư là trên 1.800 tỷ đồng.

Song, việc bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do đang gặp một số khó khăn như các địa phương xây dựng quy hoạch bố trí dân cư chưa phù hợp dẫn đến mới chỉ có 11/65 dự án được hoàn thành, 15 dự án chưa được triển khai, khiến 24.500 hộ dân đang sống phân tán, rải rác tại nhiều địa phương.

Nhiều hộ đã có chỗ ở ổn định thì lại thiếu đất sản xuất, do các địa phương thiếu quỹ đất để hỗ trợ người dân, dẫn đến tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra.

Hệ lụy của tình trạng dân di cư tự do là chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy; các hệ lụy xã hội phức tạp như mua, bán, tranh chấp đất đai giữa dân di cư tự do với người dân tại địa phương và với các công ty nông, lâm nghiệp. Thậm chí một số nơi xảy ra xô xát, tụ tập đông người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Tình trạng dân di cư tự do còn tiềm ẩn yếu tố gây bất ổn về an ninh chính trị, quốc phòng trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới. Một số phần tử xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền đạo trái pháp luật; lôi kéo đồng bào gây rối trật tự, chống phá chế độ.

Còn về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn kém hiệu quả. Đã có 122 công ty nông lâm trường đã được rà soát, trong đó giữ lại 108 công ty, còn lại giải thể và bàn giao về địa phương 14 công ty. Song thực tế là các nông, lâm trường sau khi đã rà soát vẫn còn giữ lại quỹ đất quá lớn với trên 935.000ha đất, chủ yếu là đất lâm nghiệp, vượt quá tầm quản lý và sử dụng với nguồn lực.

Trong khi đó, hiện Nhà nước mới chỉ thu tiền sử dụng đất đối với 24% diện tích đất nông, lâm trường, còn lại là giao không thu tiền sử dụng đất nên chưa gắn trách nhiệm đối với các đối tượng được giao quản lý, sử dụng đất. Nhiều đơn vị tự ý cho thuê, cho mượn hoặc khoán trắng cho người dân để thu địa tô.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên va Môi trường Trần Hồng Hà, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường tại Tây Nguyên còn kém hiệu quả. Điều này làm phát sinh những nguy cơ như: tranh chấp, lấn chiếm đất đai; rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá và tiếp diễn tình trạng di cư tự do…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đảm bảo đời sống cho cả bà con di cư và tại chỗ theo dạng xen cư

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu để bà con di cư là ở nơi cũ thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn; người đi trước mách người đi sau, đi theo cộng đồng, dòng họ, với mong muốn tìm được nơi có cuộc sống tốt hơn. Hầu hết khi di cư họ đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn, do vậy khó có thể quay trở lại nơi ở cũ.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, đầu tư các điểm dân cư để sắp xếp ổn định cho bà con di cư nhưng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay vẫn còn hơn 18.000 hộ cần tiếp tục, bố trí ổn định (phần đông trong số này là bà con DTTS từ phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên).

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề nghị, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động, giải quyết khó khăn về đời sống để đồng bào yên tâm không có ý định di cư. Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy “giữ dân” ở đầu đi là hiệu quả nhất. Khi bà con đã bán hết tài sản, ruộng vườn, vượt hàng ngàn km vào Tây Nguyên rồi, không cho bà con ở lại, dồn đến bước đường cùng, sẽ nảy sinh hiện tượng xã hội khác phức tạp hơn (bài học đón dân về nơi cũ cho thấy chưa thành công).

 Chỉ đạo các địa phương điều tra, thống kê, lập danh sách số hộ, số khẩu trên địa bàn từng xã, áp dụng thủ tục đơn giản, đăng ký hộ khẩu cho bà con; theo đề nghị của UBND xã và trưởng Công an huyện, UBND cấp huyện quyết định cụ thể đối với từng hộ thuộc công dân của thôn, xã nào để phục vụ cho công tác quản lý (thực tế hiện nay chính quyền cơ sở chưa nắm chắc được việc này).

 “Tôi đã tìm hiểu kỹ và thấy bà con người Mông di cư từ Hà Giang vào Đăk Nông rồi từ Đăk Nông lại sang Lâm Đồng, chưa kể trong một huyện còn đi từ điểm này sang điểm khác. Đi đến đâu bà con phát nương làm rẫy đến đó, rừng bị phá, con em sinh ra không có hộ khẩu, không được chăm lo đến nơi, đến chốn về giáo dục, y tế…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đề xuất, sau khi đã là công dân của một địa phương nhất định thì tiến hành mua bảo hiểm y tế cho bà con; tổ chức các trường bán trú dạy dỗ con em (thực tế hai vấn đề này đang là bức xúc nhất trong đời sống của bà con di dân hiện nay). Các tỉnh rà soát lại các dự án tái định cư, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp vào những điểm tái định cư, tạo sinh kế, để bà con ổn định cuộc sống.

Bộ trưởng cho biết, qua nghiên cứu thực tế, đã xuất hiện sự so bì giữa bà con DTTS tại chỗ với bà con DTTS từ nơi khác đến. Vì số bà con tại chỗ cũng thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt… nhưng việc giải quyết chưa thấu đáo, trong khi đó bà con từ nơi khác đến vào thẳng trong rừng, phát nương làm rẫy, lại có đất tốt hơn. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh điều tra, khảo sát, lập đề án mới sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống cho cả bà con di cư và tại chỗ theo dạng xen cư, không nên xây dựng điểm tái định cư riêng bà con di cư.

Về di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, trong khi các địa phương nguồn lực có hạn, một lúc chưa thể di dời toàn bộ số hộ có nguy cơ ra khỏi vùng nguy hiểm ngay, thì Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu xây dựng nhà kiên cố ở cộng đồng vừa làm nơi sinh hoạt chung, vừa là nơi lánh nạn cho người dân khi gặp mưa lũ.

 Bên cạnh đó, thay vì phải đầu tư các điểm tái định cư một cách đồng bộ, tốn kém tiền bạc (xuất đầu tư có thể là 150 đến 200 triệu đồng/hộ). Có thể thực hiện tái định cư xen ghép, tự nguyện, nhà nước hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho hộ gia đình (khoảng 70-80% xuất đầu tư tái định cư tập trung) để người dân ở xen ghép với các bản làng đã ổn định.

Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội nghị.

Giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do trước năm 2025

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, di cư là vấn đề không chỉ có ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng di cư tự do ở nước ta thời gian qua còn nhiều phức tạp và tiềm ẩn nhiều hệ lụy nên Đảng và Nhà nước không khuyến khích đồng bào di cư tự do. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài là phải giữ chân và ổn định dân cư tại địa phương.

Để làm được việc này, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, các địa phương cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng công tác đào tạo nghề để tạo sinh kế cho người dân. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực để thực hiện xong các dự án ổn định dân di cư tự do để người dân di cư giai đoạn trước có nơi ở, đất đai canh tác ổn định và được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Mục tiêu của Chính phủ là hoàn thành các dự án ổn định dân di cư tự do trước năm 2020 và giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do trước năm 2025.

Toàn cảnh Hội nghị. Toàn cảnh Hội nghị.

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giải quyết dứt điểm tình hình thiếu đất sản xuất, kiểm soát tình hình dân di cư tự do; giảm thiểu và triệt tiêu tình hình tranh chấp đất, lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất và ổn định tình hình trật tự an ninh-xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định của pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

LÊ PHƯƠNG - LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng bài trên mạng xã hội

Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng bài trên mạng xã hội

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024 quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đối với: Dịch vụ, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.