Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Gian nan cuộc chiến chống ma túy

PV - 16:11, 22/05/2019

Những vụ vận chuyển một vài bánh heroin, vài kg ma tuý có lẽ không còn khiến người ta phải giật mình, thay vào đó là các vụ vận chuyển hàng trăm bánh, hàng nghìn bánh heroin. Thậm chí, thời gian gần đây số lượng ma tuý thu giữ từ các chuyên án còn được tính bằng đơn vị tấn.

Phương thức hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Việt Nam có giao thông thuận lợi với đầy đủ hệ thống cảng biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt và tiếp giáp với nhiều nước. Chúng ta rất gần với trung tâm ma tuý lớn nhất thế giới, đó là khu Tam giác vàng, khu Lưỡi liềm vàng. Điều kiện này khiến nước ta trở thành địa bàn để vận chuyển ma túy vào rồi tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Bên cạnh đó, tội phạm ma tuý lợi dụng chính sách thông thoáng hải quan để vận chuyển ma tuý từ Việt Nam đi các nước.

50 loa thùng từng đựng hàng trăm kg ma túy tại Nghệ An bị lực lượng chức năng bắt giữ vào tháng Tư vừa qua. 50 loa thùng từng đựng hàng trăm kg ma túy tại Nghệ An bị lực lượng chức năng bắt giữ vào tháng Tư vừa qua.

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2019, đã xuất hiện các vụ án khủng. Điển hình như: liên tiếp trong các ngày 11, 12/4, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây vận chuyển ma túy quy mô đặc biệt lớn, với thủ đoạn cất giấu ma túy rất tinh vi trong những chiếc loa thùng, với số tang vật cực “khủng” lên đến hơn 1,1 tấn; tiếp đó, trong 3 ngày từ 15-17/4, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ 1,1 tấn ma tuý đá tại Nghệ An.

Các đối tượng chủ mưu cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy rất ranh ma, xảo quyệt, theo đường dây, ổ nhóm, liên tỉnh, xuyên quốc gia và có sự liên kết, phân công giữa các đối tượng rất chặt chẽ. Chúng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí nóng khi bị phát hiện, truy bắt. Ông “trùm” của các đường dây này rất ít khi lộ diện hoặc trực tiếp đi giao, nhận hàng.

Thông thường, tội phạm ma túy thường chọn các đối tượng không nghề nghiệp ổn định, ăn chơi lêu lổng nhưng muốn giàu nhanh, lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật của một số người là người DTTS, những người khó khăn về kinh tế dễ dàng để thuê vận chuyển ma túy. Các ông “trùm” cũng triệt để lợi dụng những thành tựu của khoa học-công nghệ, sử dụng điện thoại, mạng xã hội (zalo, facebook, viber…) để chỉ đạo, điều hành các đường dây.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý rất tinh vi và thường xuyên thay đổi với tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm (hầu như các vụ ma tuý các đối tượng đều có vũ khí), hoạt động khép kín trong gia đình, dòng họ. Từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã phát hiện nhiều loại ma túy mới được ngụy trang dưới dạng “đông trùng, hạ thảo”, “trà sữa”, “cỏ mỹ”… Chúng giấu ma túy trong các bình gas, ép vào trong ván gỗ, giấu vào hàng hóa, các vùng kín trong cơ thể nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng để đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Cần ngăn chặn từ xa

Tội phạm ma túy là loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm, hoạt động manh động, liều lĩnh, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia… Chính vì vậy, cuộc chiến chống ma túy, dù ở đâu, cũng ngày càng trở nên khốc liệt. Do đó, theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, đấu tranh chống tội phạm ma túy phải ngăn chặn từ xa, từ khi đối tượng chưa vào đến lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy sẽ làm chủ công, nòng cốt, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan, Công an các địa phương và các lực lượng liên quan. Bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng Nhân dân đấu tranh mạnh với các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Nhất là xóa bỏ triệt để các điểm, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước; không để tái trồng cây có chất ma túy.

Đi đôi với công tác đấu tranh giảm nguồn “cung”, phải làm tốt công tác giảm “cầu”. Giảm “cầu” không chỉ làm tốt công tác cai nghiện mà phải bắt đầu từ việc làm tốt công tác phòng ngừa. Cần tăng cường tuyên truyền mạnh về tác hại của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần bằng nhiều hình thức, loại hình tuyên truyền; hướng dẫn kỹ năng tự phòng tránh cho mọi người, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên để tránh xa ma túy, không bị lôi kéo sử dụng ma túy. Người nghiện sau cai cần được hỗ trợ tích cực hòa nhập cộng đồng, tích cực học tập, lao động, tránh xa ma túy.

Một giải pháp quan trọng là, cần triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào khu vực biên giới… từ đó dần đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội ra khỏi mỗi gia đình, làng, bản.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.