Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Gian nan đường đến trường của học sinh vùng cao núi đá

Văn Hoa - 15:14, 14/12/2020

Thức dậy đi học từ 4 rưỡi sáng, các em học sinh của 3 thôn Chiêng Chà, Đông Phây, Nà Sâu, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, vượt gần 10 km đường đất mới đến được trường. Sau khi tan học lúc 11h45, các em lại nhịn đói đi bộ về nhà lúc 14h30-15h chiều; gặp những hôm trời mưa đường trơn trượt, việc đi lại vô cùng khó khăn...; đấy là thực trạng các em học sinh nơi đây phải trải qua hàng ngày để có được con chữ...

Ngoài những buổi học trên lớp, em Lý Thị Nhật còn phải làm nhiều việc trong gia đình.
Ngoài những buổi học trên lớp, em Lý Thị Nhật còn phải làm nhiều việc trong gia đình.

Khởi hành từ lúc 7 giờ sáng, tôi cùng 5 thầy giáo trong Trường THCS thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) theo con đường đi học thường ngày của học sinh tại 3 thôn Chiêng Chà, Đông Phây, Nà Sâu bằng xe máy. Từ thị trấn Yên Minh, chúng tôi bám theo con đường đất ven suối hơn một tiếng đồng hồ, với những con dốc trơn trượt, nhiều đoạn đường lầy lội để đến với thôn Nà Sâu.

Trên đường vào thôn Nà Sâu, chúng tôi gặp em Lý Chỉn Dèn, học sinh của trường đang gánh cỏ từ nương về. Nhìn thấy chúng tôi, em tỏ vẻ ngại ngùng. Qua trò chuyện, em Dèn cho biết, đây là con đường nhanh nhất để đến trường, với hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ. Những hôm trời nắng, thì có thể đi theo con đường ven suối, còn trời mưa phải đi đường mòn xa hơn, có khi phải đi bộ mất 3 tiếng đồng hồ mới tới được trường.

Từ Nà Sâu đến Chiêng Chà chừng 3km, con đường dốc hơn nên càng khó đi. Tới nơi, chúng tôi gặp em Lý Thị Nhật, dân tộc Dao, học sinh lớp 7C tại nhà. Em Nhật kể, là chị cả trong nhà có 4 chị em, Nhật phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong gia đình. Với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh xắn, Nhật luôn chân, luôn tay làm hết việc này đến việc khác. Dù mới học lớp 7, nhưng em đã phải làm những công việc của người lớn. Buổi sáng em phải thức dậy từ lúc 4h để nấu cơm ăn; sau đó, khoảng 5 giờ kém 15 bắt đầu đi học, đến trường lúc 7h30. Học hết tiết 5, em lại đi bộ từ trường về đến nhà thường đã hơn 2h chiều. Buổi chiều, em hỗ trợ cha mẹ những công việc trong gia đình như, chăn trâu, lấy rau, cắt cỏ cho trâu bò, nấu cơm, trông em…

“Em cũng muốn ở lại nội trú, nhưng  em còn phải gánh vác thêm nhiều việc nhà nên tan học là em lại phải về ngay”, Nhật nói.

Nói về sự học vất vả của các em học sinh khi đến trường học chữ, thầy Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Minh thông tin thêm, mỗi sáng, các em không phải đi bộ mà là phải chạy bộ mới kịp giờ học. Vì thế, nhà trường thường không trừ điểm rèn luyện khi các em đi muộn trong 15 phút truy bài đầu giờ và miễn lao động buổi chiều.

Với 25 học sinh thuộc 3 thôn Chiêng Chà, Đông Phây, Nà Sâu, xét theo các tiêu chí, các em có đủ điều kiện ở nội trú tại trường. Nhà trường cũng đã vận động phụ huynh cho học sinh ở lại học nội trú. Tuy nhiên, phụ huynh các em không đồng ý mà muốn con về nhà để đỡ đần bố mẹ. Vậy nên các em phải nhịn đói sau giờ học để về nhà ăn cơm, gia đình nào có điều kiện hơn, thì có gói mỳ tôm cho con ăn tạm trên đường đi học về.

Đường vào thôn Nà Sâu.
Đường vào thôn Nà Sâu.

“Sau chuyến đi này, nhà trường sẽ họp phụ huynh để động viên cho học sinh đến trường học nội trú. Hiện nay, cơ sở vật chất của trường tạm ổn để có thể đón các em vào ở nội trú. Tuy nhiên, những nhu yếu phẩm cần thiết như: chăn, màn, téc nước…. vẫn còn thiếu. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ để nhà trường đủ điều kiện đón các em học sinh ở lại nội trú”, thầy Tuấn Anh bộc bạch.

Đem tâm tư của thầy và trò sau chuyến đi trao đổi với bà Sầm Thị Dương, Phó trưởng phòng Chính sách Dân tộc tỉnh Hà Giang, bà Dương cho biết: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 15/7/2011 về ban hành chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nghèo và nhiều chính sách hỗ trợ học sinh vùng DTTS phù hợp với điều kiện của địa phương. Do đó, với các em học sinh tại 3 thôn của trường THCS thị trấn Yên Minh và nhiều thôn khác, đều đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu tiên của Nhà nước.

"Tuy nhiên, để các em được yên tâm đến trường và đảm bảo sức khỏe học tập,điều quan trọng nhất là, nhà trường và chính quyền địa phương phải làm tốt công tác vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường học tập, sinh hoạt nội trú", bà Dương mong muốn.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.