Con đường quanh co dẫn chúng tôi đến làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện miền núi Ngọc Lặc. Ngôi nhà tuềnh toàng nép dưới tán cây ven đường, là nhà em Phạm Thị Phượng.
Thấy khách đến, anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1985), bố em Phượng, một người tàn tật, vội lê lết dùng cả tay và chân bò ra đón khách. Lúc này, Phượng đang đi chăn bò trên đồi nhận được tin cũng mới chạy về.
“Đang được nghỉ hè, nên em tranh thủ đi chăn bò cho ông bà ở trên đồi”, Phượng ngại ngùng nói.
Phượng năm nay 18 tuổi, là con gái đầu của anh Dũng và chị Phạm Thị Xuyên (sinh năm 1986). Phượng còn có người em trai là Phạm Bảo Nam (sinh năm 2012). Phượng cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia 2021 vừa qua, em thi khối C1 đạt điểm gồm: Ngữ văn 8,5; Lịch sử 8,5; Giáo dục công dân 10. Do là học sinh dân tộc thiểu số, em được cộng điểm ưu tiên đạt tổng điểm 29,75.
Với số điểm này, Phượng có khả năng đủ điểm đậu vào những trường đại học sư phạm top đầu lấy khối C1, để theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. Thế nhưng, gia đình em hiện không đủ khả năng để tiếp tục nuôi em học hết đại học.
Anh Dũng, bố của Phượng, sau một trận sốt “thập tử nhất sinh” lúc còn nhỏ khiến anh co quắp hết chân tay đến tận bây giờ. Cứ mỗi khi trở trời, cơn đau lại hành hạ.
19 năm trước, được bạn bè trong làng mai mối, anh Dũng và chị Xuyên gặp nhau thì đem lòng cảm mến. Chị Xuyên sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm, cảm thông với hoàn cảnh của anh Dũng, chị đồng ý về một nhà để chăm sóc cho anh. Từ đó, 2 đứa con lần lượt ra đời, mọi gánh nặng đều dồn hết lên vai chị, một tay lo liệu để nuôi chồng và hai con.
Gia đình thuộc hộ nghèo, chồng lại không có sức lao động. Nhà chỉ có 1 sào ruộng quanh năm thiếu ăn. Chị Xuyên thì sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, nhiều năm nay, chị đành rời nhà ra Hà Nội làm thuê cho một xưởng tăm.Tiền công rất thấp, có tháng chỉ được 2 triệu đồng, trừ hết chi phí ăn ở, chẳng còn lại bao nhiêu để gửi về gia đình.
Ở nhà, Phượng có nhiệm vụ chăm sóc cho bố và em trai nhỏ, tự lo liệu việc học. Một năm, gia đình 4 người chỉ có thể đoàn tụ vào dịp Tết. Đợt này, do dịch Covid-19, chị Xuyên vẫn đang kẹt ở Hà Nội, chỉ có thể liên lạc qua điện thoại về cho chồng con.
Khi biết kết quả thi của con gái, chị Xuyên gọi điện về bàn với chồng cho con nghỉ học. “Học đại học rất tốn kém, mẹ không đủ khả năng nuôi con hết 4 năm đại học nữa. Con chịu khó gác lại việc học để đi làm giúp mẹ nuôi bố và em”, chị Xuyên dặn con gái qua điện thoại.
Suốt đêm đó, Phượng khóc sưng mắt vì buồn, nhưng em không trách mẹ vì hiểu hoàn cảnh gia đình mình. Ngay từ khi chuẩn bị kỳ thi, các bạn cùng trường háo hức điền nguyện vọng vào các trường đại học, em cứ tần ngần mãi không làm vì xác định phải nghỉ học. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Vân là người đã giúp em đăng ký nguyện vọng vào Khoa Sư phạm chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Nói về ước mơ, mắt Phượng lúc nào cũng đầy khao khát. Em nói thích học môn Sử và muốn trở thành giáo viên dạy Sử.
“Em muốn học ngành Sư phạm để trở thành một giáo viên dạy Sử. Thế nhưng nhà em khó khăn quá. Ông bà nội và bà ngoại đều đã già, cũng không khá giả gì nên không giúp em được. Có lẽ em phải dừng lại thôi”, Phượng gạt nước mắt nói.
Anh Dũng cho biết, trong lòng rất day dứt thương con nhưng bản thân đành lực bất tòng tâm. “Tôi không được học hành đến nơi đến chốn, lại còn tật nguyền không nuôi nổi con, dù rất muốn con gái được đi học, theo đuổi ước mơ nhưng không còn cách nào”, anh thở dài nói.
Qua bài viết này, Báo Dân tộc và Phát triển mong muốn làm nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm với gia đình em Phượng, hầu mong có thể cùng chung tay đưa em đến giảng đường đại học.