Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáng sinh trầm lắng của người Việt Nam trên thế giới

T.Hợp - 12:40, 25/12/2020

Giáng sinh của người Việt Nam ở các nơi trên thế giới trầm lắng và ảm đạm khi dịch bệnh hoành hành. Lệnh phong tỏa khiến nhiều người không thể đoàn tụ với gia đình, người thân, bạn bè.

Đường St. Martin’s ở trung tâm London ngày 21/12. Ảnh: New York Times.
Đường St. Martin’s ở trung tâm London ngày 21/12. Ảnh: New York Times.

Hào hứng về lần đầu tiên trải nghiệm Giáng sinh ở London, Minh Anh, đang học thạc sĩ ngành giảng dạy tiếng Anh, đã chuẩn bị đủ quà tặng cho gia đình bạn trai ở Brighton. Họ dự định trao đổi quà vào sáng ngày Giáng sinh như truyền thống, tuân thủ hướng dẫn của chính phủ là chỉ tối đa 3 hộ được phép tụ tập.

Nhưng tuyên bố ngày 19/12 của Thủ tướng Boris Johnson, nâng London và nhiều vùng Đông Nam nước Anh thành vùng dịch cấp 4, khiến Minh Anh và khoảng 17 triệu người khác phải chịu giới hạn đi lại.

“Kế hoạch của em bị ảnh hưởng toàn bộ... chắc em sẽ gọi video với gia đình bạn em”, Cô và gia đình đang tính tổ chức đố vui qua video để làm “Giáng sinh từ xa” thú vị hơn.

Chị gái của bạn trai cô cũng phải hủy kế hoạch về ăn Giáng sinh , vì bị lây Covid-19 từ bệnh nhân tại bệnh viện mà chị làm việc.

Từ trước ngày Giáng sinh, mùa lễ của Minh Anh đã bị gián đoạn bởi hai đợt cách ly - đầu tiên là 14 ngày do hai học sinh của cô nhiễm virus, sau đó là 10 ngày do tiếp xúc ca nhiễm khi ra ngoài mua đồ ăn.

“Nhờ ứng dụng ‘Test and Trace’... người nào tiếp xúc với mình khoảng cách 2m mà bị báo là mắc Covid-19 thì sẽ có tin nhắn gửi về điện thoại mình, mình bắt buộc phải cách ly, trước là 14 ngày, nhưng quy định mới là 10 ngày”, Minh Anh cho biết.

Kèm theo đó là nỗi lo không có người thân bên cạnh, nếu mắc bệnh sẽ không ai chăm sóc.

Số ca mắc Covid-19 ở Anh đang tăng chóng mặt, khiến phần lớn nước Anh phải nâng lên thành vùng dịch cấp độ 4.

Nước này ghi nhận con số kỷ lục 36.804 ca nhiễm mới ngày 22/12, theo sau 33.364 ca ngày 21/12 và 35.928 ca ngày 20/12 - một phần do biến chủng virus mới lây lan mạnh hơn.

Quảng trường Gendarmenmarkt của Berlin năm nay vắng bóng người. Ảnh: New York Times.
Quảng trường Gendarmenmarkt của Berlin năm nay vắng bóng người. Ảnh: New York Times.

Giáng sinh năm nay, bác sĩ Ngô Bá Định dành thời gian đi thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 ở California, thay vì mở tiệc cùng gia đình như thường lệ.

"Mọi người nghỉ lễ nhưng bệnh viện và bệnh nhân thì không. Năm nay vì Covid-19, chúng tôi càng bận rộn", ông Ngô Bá Định, một bác sĩ gốc Việt đã có 23 năm trong nghề tại thành phố Huntingon Beach, bang California, Mỹ.

Tối 23/12, ông Định có lịch tới 5 bệnh viện để thăm khám cho các bệnh nhân Covid-19 mà mình phụ trách trên tư cách bác sĩ gia đình. Hai ngày tới, lịch làm việc của ông vẫn kín mít bởi số ca nhiễm đang tăng mạnh.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện mỗi ngày ghi nhận khoảng 200.000 ca nhiễm mới và 3.000 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm lên gần 19 triệu, trong đó hơn 330.000 người đã chết. Giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.

Bác sĩ Định cho biết hạt Orange, nơi có khu Little Saigon đông người gốc Việt sinh sống, ghi nhận khoảng 4.600 ca nhiễm nCoV mỗi ngày. Dù phần đa tuân thủ lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán cafe và dịch vụ mà Thống đốc California Gavin Newsom đưa ra, vẫn có những nơi lơ là quy định. Nhiều người dân vẫn tụ tập ăn uống mừng Giáng sinh và năm mới, không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách.

"Tại 3 bệnh viện mà tôi đến thăm khám, người gốc Việt chiếm phần lớn số ca nhập viện vì Covid-19, cao hơn cả người gốc Latinh hay Trung Đông. Mùa đông đã tạo điều kiện cho nCoV phát triển và lây truyền nhiều hơn. Một phần các ca nhiễm cũng là do mọi người tham các cuộc vận động tranh cử, biểu tình vào tháng trước", ông nói.

Sau một năm đáng quên với dịch bệnh và thiên tai, Giáng sinh này ông Định từ bỏ ý định trang hoàng nhà cửa, đi mua sắm hay ra ngoài vui chơi cùng gia đình như thường lệ.

"Chúng tôi sẽ chỉ ở nhà, ăn tối với các món do bà xã nấu, rồi mở quà Giáng sinh chứ không mời họ hàng, bạn bè làm tiệc như mọi năm", ông nói. "Vì sức khỏe và an toàn, hy sinh một năm vui chơi cũng không ảnh hưởng gì".

Một thánh lễ tại nhà thờ Apostel Paulus ở Berlin ngày 20/12. Thánh lễ được rút ngắn và không cho phép hát nhạc Giáng sinh. Ảnh: New York Times.
Một thánh lễ tại nhà thờ Apostel Paulus ở Berlin ngày 20/12. Thánh lễ được rút ngắn và không cho phép hát nhạc Giáng sinh. Ảnh: New York Times.

Tại Thủ đô Paris, Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, Noel với chị Chi Nguyễn cũng như bao ngày bình thường khác bởi đã quen sống trong cảnh phong toả vì Covid-19 cả năm nay. Nhà hàng và các trung tâm mua sắm vẫn trang hoàng lung linh và tấp nập người vào ban ngày, nhưng đến 20h là đóng cửa. Mọi người hầu hết làm việc tại nhà, chỉ tổ chức tiệc tại gia, hạn chế ra ngoài buổi tối. "Mọi năm vào ngày 25/12, họ hàng thường tập trung rất đông ở nhà bố mẹ chồng tôi, tới 25-30 người, nhưng nay ai ở nhà đó. Ông bà đã cao tuổi nên con cháu phải cẩn thận", người phụ nữ lấy chồng Pháp cho hay. "Thằng bé 3 tuổi rưỡi nhà tôi vừa sổ mũi, ho và sốt, ông xã đã tức tốc đón về nhà vì sợ nhỡ lây Covid-19 cho ông bà".

Cũng đang chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ hai, những ngày cuối năm của người Việt tại Nga diễn ra trầm lắng hơn. Giới chức nước này không tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực nên các hàng quán ở thủ đô Moskva vẫn mở cửa bình thường, đường phố, công viên vẫn lung linh đón Noel như mọi năm.

Tuy nhiên, với gần 30.000 ca nhiễm mới nCoV mỗi ngày, người dân ở vùng dịch lớn thứ Tư thế giới vẫn được khuyến cáo tuân thủ các biện pháp phòng dịch như hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. Các sự kiện công cộng, hoạt động vui chơi, giải trí đều bị huỷ.

"Dù nhiều người tranh thủ ra ngoài chụp ảnh và ngắm nhìn khung cảnh Giáng sinh, tôi vẫn tự nhắc bản thân chủ động phòng tránh", anh Xuân Hoàn, một nghiên cứu sinh người Việt ở Moskva, cho hay. "Sinh viên thì học từ xa, nghiên cứu sinh như tôi thi thoảng lên trường. Mọi sinh hoạt diễn ra bình thường nhưng sẽ không có tụ tập hay tiệc tùng để tránh nguy cơ lây nhiễm".

Mọi năm vào những ngày này, các du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc cũng thường quây quần liên hoan và tổ chức dã ngoại đón năm mới.

"Năm nay chúng tôi không có Noel hay năm mới nữa. Từ ngày 23/12, vùng thủ đô Seoul cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Các nhà hàng sẽ bị phạt nếu cho phép tụ tập trên 4 người. Các biện pháp mạnh hơn sẽ được áp dụng toàn quốc từ ngày 24/12", Thiện Quang, du học sinh Việt Nam tại đại học Hannam, thành phố Daejeon, nói, thêm rằng các khu nghỉ dưỡng và du lịch nổi tiếng cũng bị đóng cửa để hạn chế Covid-19 lây lan trong mùa lễ hội cuối năm.

Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới tăng mạnh khoảng 1.000 ca/ngày, trong đó vùng thủ đô Seoul sắp hết giường điều trị tích cực. Với tình hình được đánh giá là vô cùng nghiêm trọng này, viễn cảnh đón Tết xa gia đình đang dần hiện ra trước mắt Quang.

"Mong ước của mình lúc này là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để sắp tới có thể về Việt Nam ăn Tết cùng bố mẹ và bạn gái. Mình nghĩ đây cũng là mong ước chung của nhiều du học sinh năm nay, bởi mỗi năm bọn mình chỉ có một dịp này để đoàn tụ gia đình", Quang nói.

Bác sĩ Định khuyên mọi người nên chấp nhận hoàn cảnh khó khăn mà Covid-19 đang gây ra trên toàn cầu và tuân thủ các khuyến cáo của giới chức mới có thể nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. "Mọi người chỉ nên gọi điện thăm hỏi, chúc mừng nhau qua video để đảm bảo an toàn. Thông điệp của tôi năm nay là "nhà ai nấy ở, miệng ai nấy thở, càng xa nhau càng sống lâu". Thay vì đón Giáng sinh, chúng ta hãy ráng hy sinh một năm", ông nói./.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.