Chị Đinh Thị Thoa, Chi Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Kỳ Phú cho biết, Câu lạc bộ của xã được thành lập, với mục đích tạo “lá chắn” nhằm hỗ trợ, bảo vệ đối với trẻ em trước các vấn nạn xã hội đã và đang xảy ra trong thời gian qua. Đặc biệt, với đặc thù là xã miền núi, 90% là dân tộc Mường, thì công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em cũng như cha mẹ là cần thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, Câu lạc bộ đang có 75 thành viên gồm, học sinh, thầy cô của Trường tiểu học và Trung học cơ sở Kỳ Phú cùng nhiều phụ huynh trong địa bàn xã. Các thành viên CLB được chia thành 3 tổ; định kỳ CLB sinh hoạt 2 lần/năm, các tổ của CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý.
Tại các buổi sinh hoạt ở Nhà văn hóa xã Kỳ Phú, các em được nghe trò chuyện, chia sẻ về những thay đổi của cơ thể và diễn biến tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên. Trong đó, những vấn đề liên quan đến giới tính và những kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị xâm hại được đề cập thẳng thắn. Chị Thoa cũng cho biết, các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, kiến thức pháp luật cũng được lồng ghép trong những buổi sinh hoạt này.
Ngoài ra, Câu lạc bộ còn tổ chức diễn đàn "Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em" theo hình thức tổ chức các đội thi thể hiện hiểu biết về phòng chống xâm hại tình dục. Cụ thể trong các buổi sinh hoạt, đại diện các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh chia ra 3 đội, tham gia 3 phần thi: Hiểu biết, trả lời các câu hỏi và xử lý với tình huống giả định.
Nội dung các câu hỏi thường xoay quanh các vấn đề như: Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em; đối tượng xâm hại là ai; những dấu hiệu tổn thương về thể xác và tinh thần khi trẻ bị xâm hại tình dục; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi phát hiện trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại…
Cùng với đó, là đưa ra các tình huống giả định khi học sinh tiếp xúc với người có ý định xấu, bị người lạ dụ dỗ, xâm hại, các em sẽ phải tìm cách xử trí và bảo vệ bản thân mình thế nào.
Em Đinh Thị Linh (Trường THCS Kỳ Phú) chia sẻ: “Qua những buổi sinh hoạt thế này, em được học những kỹ năng rất bổ ích để có thể tự bảo vệ bản thân khỏi những người xấu, những tình huống nguy hiểm”.
Đến với các buổi sinh hoạt chung, phụ huynh học sinh của xã Kỳ Phú sẽ được học những quy tắc cần trang bị cho con của mình để có thể tránh xa đối tượng nguy hiểm, kể cả những người thân quen, vì hầu hết các trường hợp trẻ em bị lạm dụng, tội phạm lại xuất phát từ những đối tượng mà trẻ gần gũi như người giữ trẻ, người thân, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ...
Qua những buổi tuyên truyền, học sinh đã được cung cấp những kiến thức cần thiết nhằm phối hợp hiệu quả 3 liên kết: Gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại tại xã miền núi.
HỒNG PHÚC