Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Yếu tố then chốt quyết định chất lượng nguồn nhân lực

Hoàng Quý - 17:01, 25/12/2020

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) bằng nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ và đã đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN.

Việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục vùng DTTS&MN đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi đây
Việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục vùng DTTS&MN đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi đây

Nhiều kết quả tích cực

Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục, giai đoạn 2011-2019, tổng nguồn lực đầu tư của ngân sách nhà nước cho giáo dục vùng DTTS&MN khoảng 462.791 tỷ đồng. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN đã đạt được kết quả đáng khích lệ về cả quy mô, mạng lưới và chất lượng giáo dục.

Hiện nay, các tỉnh vùng DTTS&MN trên cả nước đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở (THCS). Đối với việc thực hiện phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học, đến năm 2014, đã có 63/63 tỉnh, thành đã đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi Mức độ 1. Tỷ lệ huy động học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học năm 2019 là 98,13% (2011 là 92,15%, năm 2015 là 98,55%). Tỷ lệ học sinh DTTS được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học  năm 2019 là 96,66% (năm 2011 là 83,41%, năm 2015 là 91,50%).

Cùng với đó, công tác PCGD THCS vùng DTTS và miền núi tiếp tục củng cố vững chắc và phát triển kết quả PCGD đã đạt được; đẩy nhanh hoàn thành PCGD Mức độ 2, Mức độ 3; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn…

Đặc biệt trong giai đoạn từ 2010 đến nay, các DTTS rất ít người (dân số dưới 10 nghìn người) đã được ưu tiên tuyển sinh, thực hiện chế độ cử tuyển và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên. Hệ thống trường dự bị đại học và phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được quan tâm đầu tư. Hiện nay, cả nước có 4 trường dự bị đại học, 1 trường PTDTNT đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm…

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Trong thời gian qua, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục vùng DTTS&MN được đầu tư ngày một khang trang. Hiện nay, 49 tỉnh, thành đã thành lập được 316 trường THPT nội trú, với quy mô trên 102.000 HS; 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh. Trong số này có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Tiếp tục ưu tiên cho giáo dục DTTS

Nhìn chung, công tác GD&ĐT vùng DTTS&MN giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nơi đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào DTTS&MN cả nước.

Hệ thống trường lớp được đầu tư khang trang, kiên cố
Hệ thống trường lớp vùng đồng bào DTTS&MN được đầu tư khang trang, kiên cố

Theo đó, trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển; quan tâm hơn tới việc đầu tư phát triển các trường PTDTNT, bán trú trên địa bàn; thúc đẩy chương trình hợp tác giữa các trường, giữa các xã, huyện ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn để hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển…

Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS &MN giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ hội bứt phá cho vùng đồng bào DTTS&MN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục.

Theo đó, mục tiêu Bộ GD&ĐT hướng tới trong giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm 100% số trường, lớp học vùng DTTS&MN được xây dựng kiên cố; Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (5 tuổi) đến trường; học sinh trong độ tuổi tiểu học đạt  trên 98%, học sinh THCS đạt trên 96%, học sinh THPT đạt  trên 70%; 100% các xã MN, vùng DTTS giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Cùng với đó, 97% thanh, thiếu niên từ 15 tuổi trở lên là người DTTS  đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường PTDTNT, PTDT bán trú và các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực về các nội dung giáo dục đặc thù và phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh vùng đồng bào DTTS&MN; 100% cán bộ quản lý, giáo viên là người Kinh công tác tại vùng DTTS&MN được đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS; 100% các đơn vị trường học được cung cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học…

Nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu giáo dục vùng DTTS&MN tới đây thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý hiện hành để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và các nguồn khác. Đây được kỳ vọng là giải pháp bền vững đối với công tác phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN trong tương lai.