Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

“Giật gấu vá vai” để… giữ rừng

Thành An - 10:18, 22/06/2020

Công việc vất vả, lương thấp và chậm triền miên… không chỉ khiến đời sống của nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng thêm chật vật mà còn dẫn đến những khó khăn trong bảo vệ và phát triển rừng. Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An thừa nhận: Nguy cơ mất rừng rất dễ xảy ra nhưng “lực bất tòng tâm”.

Cán bộ BQLRPH Thanh Chương trên đường tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ BQLRPH Thanh Chương trên đường tuần tra bảo vệ rừng.

Nhiều lao động nghỉ việc

Hơn 10 năm gắn bó với việc giữ rừng, ngày 30/4/2020, ông Trình Xuân Vũ, cán bộ Đội bảo vệ rừng số 6, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương đã phải nói lời từ biệt đồng nghiệp để đi tìm việc làm khác. Theo ông Vũ chia sẻ, Đội bảo vệ rừng số 6 của ông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thanh Chương. Cả Đội có 5 người nhưng quản lý hàng ngàn ha rừng. Lương mỗi tháng chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/người nhưng luôn trong tình trạng bị nợ. Tháng nào ông và đồng nghiệp cũng chỉ được ứng 1 triệu đồng để mua mắm muối. Để duy trì cuộc sống, cả Đội vừa tăng gia sản xuất, vừa mang gạo từ nhà đi, thậm chí ký nợ hàng quán để bám trụ với nghề (!)

Tại Ban QLBVR Thanh Chương, ông Lê Phùng Thiểu cho biết, Ban Quản lý và Bảo vệ hơn 22.130ha rừng với 42 trường hợp thuộc diện 2B nên nhu cầu kinh phí Quản lý và Bảo vệ hàng năm rất lớn. Dù ông đã rất tích cực lo cho đời sống của cán bộ, nhân viên nhưng năm nào đến hết quý 4 mới có đủ kinh phí cấp về. Quá khó khăn nên trong 5 năm qua, đã có 6 người lao động trong BQLRPH Thanh Chương xin nghỉ việc, 7 người xin nghỉ hưu trước tuổi.

Còn tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn, trong những năm qua, cũng đã có hơn 10 lao động bỏ việc, gây rất nhiều xáo trộn trong tâm lý những người ở lại.

Khó giữ rừng do chính sách thay đổi

Qua tìm hiểu được biết, trước đây, kinh phí phục vụ công tác bảo vệ rừng được cấp thường xuyên theo Quyết định 57 ngày 9/1/2012 về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 với mức 200 ngàn đồng/ha/năm. Những đối tượng hưởng mức hỗ trợ này là lực lượng chuyên trách thuộc diện hợp đồng tự trang trải tại các đơn vị QLBVR (gọi tắt là 2B).

Từ cuối 2017, chính sách giao khoán và bảo vệ rừng được thực hiện theo Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT, trong đó đối tượng 2B không thuộc diện được giao khoán. Theo đó, hàng trăm lao động và các đơn vị quản lý bảo vệ rừng ở Nghệ An “đứng ngồi không yên” do nguồn kinh phí cấp về bị cắt đột ngột.

Trước thực tế khó khăn đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT xem xét. Từ năm 2018, Bộ NN&PTNT đồng ý giao khoán cho lực lượng hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng tại Nghệ An với định mức 100 ngàn đồng/ha/năm.

Công việc QLBVR ngày càng vất vả, khó khăn trong khi định mức giao khoán giảm một nửa so với trước đã đẩy cuộc sống nhiều lao động 2B vào cảnh “giật gấu vá vai”.

Ông Đinh Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho rằng: Cần phải nâng định mức bảo vệ rừng từ 100 lên 200 như mức cũ. Nếu không đời sống anh em quá khó khăn, tình trạng bỏ việc là dễ hiểu.

Tin cùng chuyên mục