Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Viện Sử học, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học cho biết: Theo truyền ngôn từ gần 2.000 năm trước, trên địa bàn Ma Ổ trang hay còn gọi là làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một lễ hội đặc biệt, đó là Phiên chợ Âm Dương - nơi người ở dương gian và người dưới âm phủ gặp nhau vào mùng 4, mùng 5 tháng Giêng hằng năm. Sau các hoạt động gặp gỡ, mua bán giữa hai thế giới âm dương là phần giao duyên của thế giới người trần bằng hình thức hát quan họ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lễ hội không còn tổ chức và chỉ còn lại trong trí nhớ của người dân.
Hội thảo khoa học Phiên chợ Âm Dương - Giá trị lịch sử văn hóa xoay quanh 3 nội dung, gồm: Những vấn đề chung và Lễ hội Âm Dương trong lịch sử; Lễ hội Âm Dương làng Ó và vấn đề khôi phục lễ hội Âm Dương.
Các nhà nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng dân gian ở nhiều địa phương, có nhiều yếu tố, nội dung liên quan đến Phiên chợ Âm Dương, một số cứ liệu dân gian, tài liệu lịch sử liên quan đến Phiên chợ Âm Dương đã và đang tổ chức ở một số địa phương trên phạm vi cả nước.
Đồng thời tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Trong đó, giá trị văn hóa đặc thù chính là Phiên chợ Âm Dương và lễ hội làng Xuân Ổ. Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận về nội dung khôi phục lại Phiên chợ Âm Dương và tổ chức lễ hội truyền thống, các vấn đề chung quanh việc xây dựng kịch bản khôi phục lễ hội...
Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) thì gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và đốt vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở 1 lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm Dương. Chợ họp trên bãi đất trước là chiến trường.
Đến nay, chợ Âm Dương không còn được duy trì, nhưng ký ức về phiên chợ này vẫn còn tồn tại trong tâm trí của những người dân nơi đây.