Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Văn hóa là nội lực cho sự phát triển của đất nước

Hồng Phúc - Kim Anh - 12:46, 23/11/2021

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 24/11 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng, với mục tiêu đánh giá thực trạng, kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Bản sắc văn hóa các DTTS ngày càng được bảo tồn và phát huy, tạo nên sự đa dạng văn hóa Việt Nam. (Trong ảnh: Lễ Xăng Khan của người Thái)
Bản sắc văn hóa các DTTS ngày càng được bảo tồn và phát huy, tạo nên sự đa dạng văn hóa Việt Nam. (Trong ảnh: Lễ Xăng Khan của người Thái)

Thích ứng, giữ gìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 1576-CV/VPTW, ngày 20/8/2021 về việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...

TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Hội nghị diễn ra có ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước ta. Đây là Hội nghị có tính chất lịch sử. Thông qua đó, nhằm khẳng định, nhìn nhận vai trò vị trí quan trọng của văn hóa. Đồng thời đánh giá qua 35 năm đổi mới đất nước, dưới góc độ văn hóa, chúng ta đã làm được những gì và còn tồn tại những vấn đề gì phải làm; những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, để từ đó có nhận thức đúng, hành động đẹp.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, khi văn hóa được coi là nguồn lực nội sinh, thì việc tiến hành Hội nghị có ý nghĩa cấp thiết, giúp chúng ta xác định được hệ giá trị của văn hóa Việt Nam, có cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển đề án đến giữa thế kỷ XXI.

Hội nghị văn hóa toàn quốc là nền tảng đưa nước ta mở ra một thời kỳ phát triển mới, với một ý chí  độc lập tự cường của Nhân dân ta. Từ đó phát triển đến năm 2030, nước ta trở thành một nước đang phát triển có thu nhập cao, đến năm 2045 thành nước phát triển.

“Để thích ứng với toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập thành công, chúng ta phải tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Quá trình hội nhập tạo nên cơ hội cho việc giao lưu, quảng bá các nền văn hóa trên thế giới. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy được tính đa dạng văn hóa vốn có của Việt Nam hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta”, TS. Nguyễn Viết Chức nhận định.

Sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam. (Trong ảnh: Đan lát là nghề truyền thống và gắn liền với cuộc sống của người Cơ Tu - Thừa Thiên Huế)
Sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam. (Trong ảnh: Đan lát là nghề truyền thống và gắn liền với cuộc sống của người Cơ Tu - Thừa Thiên Huế)

Phát huy vai trò đa dạng văn hóa của Việt Nam

Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 đang là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội. Điều đó nói lên tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đang đặt ra những vấn đề cấp thiết mà xã hội kỳ vọng.

Bàn về vai trò của lĩnh vực văn hóa, Nhà nghiên cứu Văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt nước ta là một nước đa dân tộc, đa dạng bản sắc văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam ngày hôm nay là vấn đề cấp bách, cấp thiết, có ý nghĩa cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.

Trong những nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm Việt Nam, sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ tạo nên sức hấp dẫn to lớn của Việt Nam đối với thế giới bên ngoài, mà còn là nền tảng hình thành nội lực cho sự phát triển của đất nước. Sự đa dạng của các nền văn hóa, các cộng đồng văn hóa ở Việt Nam tạo ra môi trường để tăng cường tình đoàn kết, sự gắn bó giữa các cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 62.283 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có nhiều di sản của DTTS (145/288 di sản nằm trong danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).

“Mỗi dân tộc có một nền văn hóa đa dạng, khác nhau, mang bản sắc riêng. Từ ngôn ngữ, trang phục đến các hoạt động văn nghệ, dân ca, dân vũ, tín ngưỡng, tôn giáo đều đại diện cho 54 dân tộc. Tất cả giá trị văn hóa của DTTS là tinh hoa văn hóa của Việt Nam, đại diện cho tâm hồn, khát vọng ý chí, đóng vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng làm giàu và phát triển đất nước”, TS. Nguyễn Ánh Hồng cho biết.

Bàn về những giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS tới đây, TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh, thông qua Hội nghị lần này, Chính phủ, cơ quan hành pháp cần bàn bạc, đưa ra những biện pháp cụ thể, kịp thời, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của 54 dân tộc.

“Nền văn hóa mới thực sự là văn hóa thống nhất trong đa dạng, tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, là nền văn hóa vì con người, vì nhân nhân và sự phát triển của đất nước”, TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định.