Những người tiên phong
Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Co ở huyện Trà Bồng, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, đấu chiêng là một trong những sinh hoạt văn hóa nổi bật, độc đáo. Thời gian qua, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã thắp thêm ngọn lửa đam mê di sản văn hóa quý giá trong cộng đồng người Co ở Trà Bồng.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 02 của Huyện ủy Trà Bồng về Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS giai đoạn 2021 - 2030, huyện (Trà Bồng) phấn đấu xây dựng 1 - 2 làng văn hóa, phục dựng nhà ở truyền thống, các lễ hội của đồng bào Co và củng cố các đội văn nghệ truyền thống tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Cuối năm 2022, xã Trà Thủy đã tổ chức Đại hội Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hóa dân tộc Co lần thứ nhất, giai đoạn 2022 - 2027; Nghệ nhân Hồ Ngọc An được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Ông bày tỏ: “Vào những ngày cuối tuần, những người Co lớn tuổi lại truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Lớp trước dạy lớp sau, cứ thế bao đời nay, người Co giữ gìn khá tốt văn hoá cồng chiêng”.
Còn tại xã Trà Hiệp, bà Hồ Thị Dé là nghệ nhân độc tấu kèn amap hay nhất hiện nay. Cách đây một năm, tiết mục thổi kèn amap bài "Tình mẹ con" của bà Dé đoạt giải B tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Bà Dé chia sẻ, kèn amap vẫn còn được nhiều phụ nữ ở huyện Trà Bồng yêu thích, giữ gìn.
Tại huyện Trà Bồng còn có các nghệ nhân Hồ Văn Biên, Hồ Văn Vương, Hồ Văn Ninh, Hồ Thị Huệ... là những “bậc thầy” trong các lĩnh vực nghệ thuật dân gian như đấu chiêng, hát xaru, agiới, chế biến ẩm thực dân tộc... Mỗi lần tham gia các hội thi, hội diễn cấp địa phương và toàn quốc, họ đều gặt hái được nhiều giải cao.
Giữ gìn văn hóa từ trường học
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS, những năm gần đây, ngành Giáo dục huyện Trà Bồng, đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động trao truyền, bảo tồn văn hóa trong học đường. Cụ thể như mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh là con em đồng bào DTTS; thành lập các CLB cồng chiêng trong nhà trường; tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề về văn hóa, giúp học sinh hiểu biết, tự hào về văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo tồn, gìn giữ.
Điển hình như tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy, nhiều năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã hướng dẫn giáo viên lồng ghép các nội dung về văn hóa dân tộc trong các tiết dạy, bộ môn liên quan.
Nhà trường cũng tổ chức tiết học trải nghiệm và mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng, múa cà đáo cho học sinh. Tổ chức Tết Ngã rạ của người Co với nhiều hoạt động phong phú như đánh cồng chiêng, múa cà đáo, chế biến các món ăn truyền thống…
Cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trà Thủy cho biết, đây là trường học đầu tiên trong huyện thành lập CLB văn hóa dân tộc Co trong nhà trường. CLB có 30 thành viên gồm các em học sinh có niềm yêu thích, đam mê với văn hóa dân tộc và một số thầy cô giáo trong trường.
Những không gian văn hóa, lịch sử vùng đất Quế đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc được chính các em học sinh và thầy cô giáo tái hiện sống động. Đây là một trong những hình thức giáo dục di sản văn hóa trong trường học ở huyện vùng cao Trà Bồng.
Thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng tổ chức 3 lớp tập huấn nghệ thuật múa cồng chiêng, dân ca, dân vũ dân tộc Co cho 72 cán bộ, giáo viên đang công tác tại các trường học trên địa bàn các xã vùng cao có đồng bào Co sinh sống.
Học viên được chia làm 2 lớp, mỗi lớp hơn 30 người, học trong 3 ngày. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mời các nghệ nhân người Cor thuộc CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Cor xã Trà Thủy trực tiếp đến truyền dạy. Những giáo viên được tập huấn sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền dạy văn hóa dân tộc Co cho học sinh sau khóa học này.
Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An, người trực tiếp truyền dạy cho các thầy cô giáo cho rằng, để hiểu được nghệ thuật cồng chiêng là rất khó, bởi vì tiếng chiêng chính là lời đối đáp bằng ngôn ngữ âm thanh. Tuy nhiên, các thầy cô tham gia học rất nhiệt tình, tích cực nên đã nắm được cơ bản cách hát đối đáp, cách đánh chiêng. Nắm từ cái cơ bản rồi sẽ từ từ rèn luyện thêm để nhuần nhuyễn, thành thục.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Trà Bồng cho biết: Việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của đồng bào các DTTS, được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, xuyên suốt, lâu dài... Do vậy, huyện Trà Bồng đang tập trung thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã tổ chức 5 đợt liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các DTTS trong tỉnh và 6 đợt liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ở các huyện miền núi có 3 Nghệ nhân Nhân dân, 19 Nghệ nhân Ưu tú và gần 400 nghệ nhân am tường, gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.