Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Giữ chân Cán bộ y tế vùng cao: Khó vì thiếu cơ chế

PV - 08:59, 17/04/2019

Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa gặp phải muôn vàn khó khăn. Thế nhưng hiện nay, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ này còn quá thấp, dẫn đến khó giữ chân họ trong nghề. Đây cũng là lý do chính, khiến không ít cán bộ y tế không mặn mà hoặc rời bỏ với công việc tìm hướng mưu sinh khác.

Cán bộ Đơn nguyên điều trị nội trú Dào San truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân tại thôn bản. Cán bộ Đơn nguyên điều trị nội trú Dào San truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân tại thôn bản.

Khó khăn ở “tuyến phòng vệ đầu tiên”

Làm cán bộ y tế thôn bản đã gần 10 năm nay, anh Lý Là Dừ, cán bộ y tế bản U Lý Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu không biết đã vượt bao nhiêu quả núi, ngọn đồi để thực hiện nhiệm vụ. Anh Dừ cho biết: Thời gian trước, tại cơ sở có cán bộ dân số riêng và y tá thôn bản riêng, công việc ít vất vả hơn. Sau khi sáp nhập hai chức danh này, nhiệm vụ phải thêm nhưng chế độ không tăng và còn thấp so với mặt bằng chung cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

“Hiện tại, cán bộ y tế thôn bản như mình chỉ nhận được 695.000 đồng/tháng là quá thấp, không bảo đảm cuộc sống. Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp, để những cán bộ y tế thôn bản như chúng tôi có thể bảo đảm cuộc sống, yên tâm công tác và phục vụ bà con được tốt hơn”, anh Dừ chia sẻ.

Tuyến y tế cơ sở được ví như “tuyến phòng vệ đầu tiên” trong hệ thống các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc cho sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại đội ngũ cán bộ y tế thôn bản sau khi tham gia khóa đào tạo 9 tháng về lại phải làm kiêm cả cán bộ dân số, hoạt động trong điều kiện rất khó khăn, nhất là ở vùng cao, vùng biên giới, với mức phụ cấp thấp như vậy nên nhiều cán bộ y tế thôn bản không thực sự mặn mà với công việc, hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Ngoài việc chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản thấp, gây khó khăn cho triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, hiện nay các đơn nguyên điều trị nội trú (trước đây gọi là các phòng khám đa khoa khu vực) cũng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân là bởi theo Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế thì Đơn nguyên điều trị nội trú chỉ là đơn vị khám chữa bệnh, cấp cứu ban đầu nên bệnh nhân không được thanh toán chế độ nội trú. Điều này làm khó khăn cho cả cán bộ y tế, người dân trong việc thực hiện mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, cũng như chi phí đi lại, điều trị cho người bệnh.

Cần có cơ chế, chính sách cho y tế cơ sở

Dược sĩ Hồ Thị Bình, xã Dào San cho biết: Hiện nay, Đơn nguyên Dào San đang phụ trách khám, chữa bệnh cho Nhân dân thuộc 8 xã biên giới trên địa bàn huyện Phong Thổ. Hằng năm lượng bệnh nhân đến điều trị tại Đơn nguyên rất đông. Điển hình như năm 2018, Dào San điều trị hơn 2.600 lượt bệnh nhân nội trú.

“Theo Thông tư 15 của Bộ Y tế, chúng tôi chỉ có chức năng là đơn vị khám chữa bệnh, cấp cứu ban đầu thôi, nên bệnh nhân không được thanh toán điều trị nội trú. Đây cũng là một trong những khó khăn rất lớn trong quá trình khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân”, dược sĩ Bình cho biết thêm.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phùng Thị Lai, Giám đốc trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, hiện nay, số lượng bác sĩ trên địa bàn huyện Phong Thổ đã đạt 4,6 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ dược sĩ đại học đạt 1 dược sĩ/vạn dân; 180/187 thôn bản có nhân viên y tế thôn bản hoặc cô đỡ thôn bản hoạt động.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhu cầu khám, chữa bệnh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng nhiều. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế; thiếu đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu như sản, hồi sức cấp cứu, nội, nhi…; Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế thôn bản chế độ thấp cuộc sống khó khăn, không ít cán bộ y tế thôn bản phải tìm kế mưu sinh phụ giúp gia đình nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trên địa bàn.

“Chúng tôi mong muốn, Trung ương, tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với các trung tâm, bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn tuyến huyện về đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị. Đặc biệt, cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên ngành Y tế, nhất là y tế thôn bản, nhằm đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn vùng cao biên giới”, bác sĩ Lai kiến nghị.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.