Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ cho nhịp cồng chiêng vang xa

Tiêu Dao- Minh Ngọc - 12:04, 29/12/2020

Trên khắp buôn làng ở Kon Tum xanh thẳm nhiều năm qua vẫn rộn rã âm thanh cồng chiêng, tạo nên sức mạnh văn hóa tinh thần, niềm tin, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Về Kon Tum những ngày này để hòa cùng âm thanh cồng chiêng lúc trầm, lúc bổng như truyền nhiệt huyết, sức sống mạnh mẽ vào tâm hồn mỗi người con của thôn làng.

Lễ hội văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Kon Tum vẫn được tổ chức  trong nhiều năm qua.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Kon Tum vẫn được tổ chức trong nhiều năm qua.

Những nhịp cồng chiêng

Tại nhiều buôn làng của tỉnh Kon Tum, vào bất cứ dịp lễ hội nào cũng không thể vắng âm thanh cồng, chiêng, từ Lễ nước giọt, Lễ mừng lúa mới, đến những ngày vui hội Xuân mới... Và mỗi khi tiếng cồng, chiêng vang lên thì cũng là lúc cả cộng đồng làng vui vầy sum họp... 

Các em nhỏ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống với tâm trạng háo hức chờ đợi thời khắc “khoe” với người lớn về kỹ năng biểu diễn cồng chiêng. Khi buổi biểu diễn bắt đầu, những đôi tay của các em nhỏ gõ chiêng đều đặn. Những bước chân nhịp nhàng lúc chậm rãi, lúc gấp gáp theo nhịp điệu cồng chiêng khiến cho già làng thưởng thức tiếng chiêng cũng thấy lòng mình rộn ràng, ý thức giữ gìn hồn chiêng của thế hệ trẻ đã được khơi dậy.

Ở Kon Tum, không gian văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy ở nhiều góc độ khác nhau. Đối với ngành Giáo dục, việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong nhà trường đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Kon Tum đã đưa nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lồng ghép trong các môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp, đặc biệt là luyện tập tham gia “Liên hoan cồng chiêng” học sinh DTTS các cấp. Học sinh ở các trường này trở thành lực lượng nòng cốt của các đội cồng chiêng - xoang tham gia biểu diễn tại các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa của các địa phương. Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông vùng DTTS, đặc biệt là các trường PTDT nội trú, bán trú đều có đội cồng chiêng - xoang thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các hoạt động của trường, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của ngành.

Giữ cho nhịp cồng chiêng vang xa

Từ khi được UNESCO vinh danh đến nay, công tác quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng ở Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa trong các lễ hội của Tây Nguyên.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Kon Tum, từ năm 2007 - 2015, Sở đã triển khai nghiên cứu, điều tra và thống kê được 776 bộ cồng chiêng của các dân tộc Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na, Rơ Măm trên địa bàn các huyện: Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà và TP. Kon Tum. Ngoài ra, bằng nguồn vốn sự nghiệp hằng năm, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 75 bộ cồng chiêng của 6 DTTS tại chỗ, phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Điển hình như tại huyện Đăk Hà có 80 đội cồng chiêng - xoang, trong đó có 38 đội người lớn, 42 đội thanh, thiếu niên, một số thôn còn có đội cồng chiêng nữ. Ngoài ra, huyện Đăk Hà tổ chức 3 lớp chỉnh chiêng cho các nghệ nhân dân gian tại các xã, mỗi lớp có 15 - 20 nghệ nhân tham gia. Đến nay, hầu hết các thôn DTTS trên địa bàn huyện đều có nghệ nhân chỉnh chiêng.

Đặc biệt, có nữ Nghệ nhân Ưu tú Y Khar (dân tộc Xơ Đăng, làng nhỏ Kon Klốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) lâu nay vẫn duy trì được âm vang của cồng, chiêng, điệu xoang cùng tiếng đàn Tơ rưng, Ting ning và những khúc dân ca của dân tộc.

Nhiều nghệ nhân ưu tú như ông A Biu ở TP Kon Tum vẫn ngày ngày truyền dạy nghệ thuật cồng, chiêng cho thế hệ sau.
Nhiều nghệ nhân ưu tú như ông A Biu ở TP Kon Tum vẫn ngày ngày truyền dạy nghệ thuật cồng, chiêng cho thế hệ sau.

Ông A Kây, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) huyện Đăk Hà cho biết: “Tỉnh Kon Tum có nhiều dân tộc và các nhóm địa phương nên cồng chiêng ở địa phương cũng rất đa dạng về chủng loại. Mỗi dân tộc, mỗi nhánh địa phương có một loại cồng chiêng tiêu biểu. Trong 1.916 bộ cồng chiêng ở Kon Tum thì có tới 30 loại chiêng cổ khác nhau, mang đặc trưng riêng cho từng nhánh dân tộc”. 

Không chỉ tại huyện Đăk Hà, mà tại xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, bà Y Kích đang cất giữ bộ cồng chiêng quý, gồm có 6 chiêng, 3 cồng được vợ chồng bà mua trước năm 1975. Biết chiêng quý, có người đến mua với giá vài chục triệu đồng, nhưng bà Y Kích nhất quyết không bán. Theo bà Y Kích, để bảo tồn văn hóa dân tộc, phải giữ cẩn thận những bộ cồng chiêng để đời sau khi con cháu đánh và sẽ luôn nhớ về nguồn cội.

Nhiều bộ cồng chiêng quý trị giá ngang bằng cả chục con trâu, bò.

Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã khôi phục được 32 lễ hội của các dân tộc tại chỗ; tổ chức được trên 114 lớp truyền dạy cồng chiêng, truyền dạy Hơ mon (Sử thi), nghề thủ công truyền thống, cách chế tác và trình diễn một số nhạc cụ dân gian truyền thống... của các dân tộc tại chỗ. Đặc biệt, ở nhiều làng, các nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng đã truyền dạy cho thế hệ thanh, thiếu niên nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc. Tiêu biểu như các Nghệ nhân Ưu tú: A Vẻ (dân tộc Giẻ Triêng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), A Thút (dân tộc Ba Na, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy), A Thu (dân tộc Xơ Đăng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô), A Biu (dân tộc Ba Na, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum)… Các nghệ nhân đã dành hết tâm huyết, sức lực để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ với mong muốn giữ gìn nhịp cồng chiêng cho bon làng hôm nay và mai sau.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.