Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giữ đất đai cho đồng bào DTTS: Có nên cấp "sổ đỏ" riêng?

PV - 09:38, 16/03/2023

Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần ghi rõ nội dung sử dụng và chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất của hộ đồng bằng DTTS vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Để giải quyết vấn đề cố hữu về “thừa - thiếu” đất ở, đất sản xuất cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần đề cập thêm nội dung: Cấp giấy chứng nhấn quyền sử dụng đất (sổ đỏ) riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng.

Cấp “sổ đỏ” riêng, hạn chế chuyển nhượng

Theo báo cáo mới nhất về kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc (năm 2019), cả nước còn có 24.532 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở; 210.400 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất.

Nguyên nhân là bởi việc giải quyết đất ở, đất sản xuất chưa tốt; thiếu quy định phù hợp với phong tục, tập quán của một số DTTS trong sử dụng đất.

Thực tế thời gian qua tại nhiều địa phương cho thấy tình trạng thiếu đất sản xuất đối với đồng bào DTTS nghèo còn diễn ra trong khi việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào di cư tự phát, mua - bán đất chưa được giải quyết thấu đáo.

Đưa ra giải pháp nhằm cải thiện tình trạng trên, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng ban soạn thảo cần cân nhắc tới việc ghi rõ nội dung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất của hô đồng bằng DTTS (gọi chung là cấp sổ đỏ) vào trong dự thảo luật. Nếu không ghi vào trong luật thì phải ghi vào điểm nào đó và đề nghị có chế tài cụ thể quy định này.

“Mong muốn của chúng tôi là đất ở, đất sản xuất hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào DTTS thì phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) riêng, và hạn chế nếu như không muốn nói là không cho chuyển nhượng,” đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Trong trường hợp người dân là đồng bào DTTS cần phải chuyển nhượng, mong muốn được chuyển nhượng vì lý do cụ thể như hết sức lao động nên đi theo con, hay không còn sử dụng thật, thì người dân đó cần phải có ý kiến của UBND cấp huyện hoặc cơ quan các dân tộc cấp tỉnh thì mới được công nhận.

“Cái này chúng ta cần phải quy định rõ, bởi nếu không, chúng ta có giải quyết đất cho đồng bào DTTS bao nhiêu lần rồi dần dần cũng lại chuyển nhượng, đất vẫn cứ thiếu. Đây cũng là giải pháp để bảo vệ người dân và mình cảnh báo luôn trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nếu mua hoặc chuyển nhượng (mua, bán) đất thì sẽ bị vô hiệu,” đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lưu ý.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn) Đinh Thị Chuyên San cũng đề xuất Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể đối với vấn đề đất đai liên quan đến đồng bào DTTS.

Dẫn Điều 52 quy định về “cá nhân là DTTS sử dụng đất do Nhà nước giao, đất theo chính sách hỗ trợ của nhà nước được quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm,” bà San cho rằng bản thân bà thấy rất băn khoăn, bởi trên thực tế đã có tình trạng một số đồng bào do nghèo đói đã chuyển nhượng, cầm cố đất đai, sau đó không có khả năng mua lại.

Làm rõ chính sách khi Nhà nước thu hồi đất

Cùng với việc kiểm soát đất đai, nhiều ý kiến cũng cho rằng Luật Đất đai sửa đổi cần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và miền núi; nhất là quy định khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, luật lần này cần có quy định cụ thể hơn phù hợp với đặc thù khó khăn của miền núi, hải đảo và tập quán của đồng bào DTTS.

Trong đó, dự thảo luật cần làm rõ nội dung chính sách bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

“Nếu người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất nếu có quỹ đất. Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường; không ép buộc, dạy các nghề theo kế hoạch của Nhà nước,” ông Hương nói.

Về chính sách đền bù khi thu hồi đất, theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật tỉnh Lào Cai, trong dự thảo luật đã làm rõ về xây dựng bảng giá đất. Vì thế, việc định giá tài sản trên đất cũng cần được thực hiện như việc xây dựng bảng giá đất cho sát hợp với thực tiễn hằng năm của tỉnh.

“Nội dung này làm tốt sẽ khắc phục được tình trạng bất cập về lợi ích của người sử dụng đất, cũng như khắc phục tình trạng khiếu kiện kéo dài, tình trạng lợi ích nhóm, doanh nghiệp bắt tay với quan chức để thao túng đất đai,” ông Thanh nhấn mạnh.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong cộng đồng DTTS quy định tại Điều 42, theo ông Thanh, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng cần có sự trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và sự giúp đỡ của Hội Nông dân thẩm định phương án góp vốn để tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào để chiếm dụng quyền sử dụng đất.

Đại diện cho các hội viên hội nông dân, nhất là đồng bào DTTS hiện tập trung chủ yếu ở 14 xã thuộc 5 huyện của Thủ đô, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết trong dự thảo luật lần này đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Tuy vậy, bà Hoa cũng lưu ý với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào DTTS thì phong tục, tập quán ở mỗi vùng cũng có sự khác biệt so với đại đa số người dân ở các địa phương khác. Vì thế, nếu rơi vào trường hợp khi tiến hành thu hồi đất ở địa bàn xã, huyện mà không có đất bố trí để tái định cư thì buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương.

“Vậy điều kiện tương đương ở đây là gì, luật cần nêu cụ thể hơn,” bà Hoa nói./.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.