Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Giữ lửa cho "phố lò rèn"

Ngọc Ánh - 17:41, 21/12/2020

Không còn những ngôi nhà xây mái ngói với những bờ rào dậu, những mảnh vườn, khoảnh ao của làng quê nông thôn Bắc Bộ thời xưa, làng rèn truyền thống Đa Sỹ hôm nay đã trở thành “phố nghề” với những ngôi nhà lầu nằm san sát bên các trục đường nội thôn. Đến “phố lò rèn” hôm nay vẫn nghe tiếng quai búa vang lên chan chát từ những khoảnh sân nhỏ của những ngôi nhà lầu...

Nghệ nhân Hoàng Văn Cung gọt lưỡi dao theo cách thủ công truyền thống.
Nghệ nhân Hoàng Văn Cung gọt lưỡi dao theo cách thủ công truyền thống.

Túc tắc... cũng chỉ đủ sống

Không như một số làng nghề truyền thống khác luôn canh cánh nỗi lo tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, những nghệ nhân của làng rèn truyền thống Đa Sỹ (thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) chỉ lo “không có sức mà làm”, bởi sản phẩm thủ công của làng nghề đã có thương hiệu, làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

Hàng bán rất chạy, nhưng ở làng rèn Đa Sỹ, ít có gia đình nào giàu lên từ nghề rèn. Nghệ nhân Hoàng Văn Cung có “nhà mặt phố, bố làm rèn” (3 đời làm nghề rèn) thuận lợi để bày bán các sản phẩm dao, kéo, cuốc, xẻng… ngay trước hiên nhà. Vậy mà với 3 lao động chính tham gia làm rèn gồm ông Cung, vợ và con trai, “túc tắc mỗi tháng, gia đình cũng có thu nhập khoảng chục triệu đồng, chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, ít có dư dả ”, ông Cung cho biết.

Thợ rèn Nguyễn Văn Mộc đang thực hiện công đoạn rèn nguội những con dao chặt.
Thợ rèn Nguyễn Văn Mộc đang thực hiện công đoạn rèn nguội những con dao chặt.

Gần nhà ông Cung là gia đình ông Nguyễn Văn Mộc có 2 bố con theo đuổi nghề rèn. Ông Mộc dành một ô trước mặt tiền ngôi nhà 3 tầng để làm xưởng rèn. Xưởng rèn của ông có đầy đủ các dụng cụ máy móc như mắt cắt sắt, máy ép, mài… để giải phóng bớt sức lao động. Ông Mộc chuyên làm các loại dao chặt, dao thái thuốc Nam, dao cắt nhựa tái chế... bằng nhíp ô tô. “Dao chặt, dao thái làm bằng nhíp ô tô có độ bền rất lâu. Dao thái thì sắc ngọt, dao chặt dùng để chặt xương không bao giờ bị mẻ nên giá thành cũng cao hơn so với dao làm bằng sắt”, ông Mộc giải thích.

Một quầy hàng bày bán sản phẩm dao, kéo của Đa Sỹ.
Một quầy hàng bày bán sản phẩm dao, kéo của Đa Sỹ.

Với dao thái loại nhỏ, ông Mộc bán lẻ 80.000 đồng/con; dao chặt tùy loại từ 130.000 -150.0000 đồng/con; dao thái thuốc 800.000 đồng/con. “Các loại dao thái thuốc, dao để cắt hạt nhựa, gia đình làm chủ yếu theo đơn đặt hàng. Có những đơn hàng khách đặt vài chục chiếc, bố con làm quần quật cả tuần để kịp giao hàng thì cũng có thu nhập trên chục triệu đồng. Còn ngày thường, mình vừa làm vừa bán túc tắc, có ngày được vài chục, ngày được vài trăm (ngàn đồng)”, ông Mộc chia sẻ.

Giữ lửa cho "phố lò rèn"

Trong làng rèn Đa Sỹ có “Cơ sở sản xuất dao Hai Tâm” nức tiếng gần xa. Dao chặt, dao thái, dao mổ… thương hiệu “Hai Tâm” chất lượng không chỉ bởi làm theo phương pháp bổ thép sắc ngọt, lưỡi không cong vênh, cực bền, mà còn bởi người làm ra sản phẩm “đặc chủng” này lại là một phụ nữ chân yếu tay mềm. Bà là nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến (SN 1968), một trong 4 nghệ nhân của làng nghề Đa Sỹ được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề” năm 2019.

Nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến đang thực hiện công đoạn rèn trong lửa.
Nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến đang thực hiện công đoạn rèn trong lửa.

Sinh ra, lớn lên giữa làng rèn truyền thống, từ ấu thơ, cô bé Tuyến đã quen tai với âm thanh đe, búa chan chát suốt ngày đêm. Thế rồi năm lên 12 tuổi, cô bé Tuyến bắt đầu đến những cơ sở rèn trong làng xin làm phụ những việc lặt vặt như cắt thép, lấy nước... để học nghề. Nhờ cần cù, chịu khó, tháo vát, cô bé Tuyến đen nhẻm năm xưa đã rèn giũa nghề trở thành một thợ rèn chuyên nghiệp với tay nghề “siêu hạng” suốt 30 năm nay. Những sản phẩm dao chặt, dao mổ, dao thái… dưới “bàn tay vàng” của nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến đều trở nên tinh xảo, sắc ngọt, bền chắc. Không chỉ trong làng, nhiều người ở tỉnh xa truyền tai nhau đến tận nhà bà mua hàng, đặt hàng mang đi tiêu thụ ở khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Sản phẩm dao, kéo của Đa Sỹ.
Sản phẩm dao, kéo của Đa Sỹ.

Kể về những công đoạn của một người thợ rèn, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến cho biết, bất kỳ người thợ nào ban đầu đều phải học tư thế ngồi, cách cầm búa và quai bễ. Khi đã thành thạo mới chuyển qua đánh rèn, kế đến là làm thô và khi đã có tay nghề mới được làm nguội.

Đặc biệt, công đoạn làm nguội là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, muốn học thành thạo nghề, nếu nhanh cũng mất một đến vài năm mới có thể làm ra một sản phẩm đúng nghĩa. “Để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt, khâu quan trọng nhất và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội. Mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén”, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến giải thích.

Theo ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, hiện nay, làng nghề truyền thống Đa Sỹ hiện có trên 1.000 hộ đang duy trì nghề rèn. Trong số đó có khoảng 70% số hộ làm rèn thủ công, 30% số hộ đã đưa máy móc vào sản xuất.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chính, dao, kéo làm bằng máy có thể sản xuất nhanh, đại trà, ít tốn công sức nhưng không thể tốt như dao, kéo làm thủ công. Bởi các công đoạn làm ra một sản phẩm dao, kéo ở Đa Sỹ đều dựa trên kinh nghiệm và bí quyết riêng của từng gia đình.

Nghề rèn vất vả, nặng nhọc, dễ xảy ra tai nạn lao động nhưng khi đã theo nghề thì ham lắm, không bỏ được. Bây giờ đất chật, người đông, các hộ làm rèn ngay trong khuôn viên nhà mình sẽ bị ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi đến các hộ ở xung quanh.

Một góc làng rèn Đa Sỹ hôm nay
Một góc làng rèn Đa Sỹ hôm nay

“Thành phố Hà Nội đã quy hoạch đất cho làng rèn Đa Sỹ để các hộ làm rèn chuyển lò, xưởng ra phía ngoài làng, nhưng chờ đợi nhiều năm nay vẫn chưa được giao đất. Chỉ mong Dự án sớm được triển khai để người dân làng rèn bảo tồn, phát triển mãi nghề truyền thống của cha ông để lại”, nghệ nhân Hoàng Văn Cung bộc bạch.

Làng rèn Đa Sỹ đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Quá trình sản xuất kinh doanh ngành nghề rèn của làng cũng đã được TP. Hà Nội quy hoạch để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Dự án điểm công nghiệp làng nghề Đa Sỹ rộng 3 ha hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về nhà đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa được triển khai.

Tin cùng chuyên mục
Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3, đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.