Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Nghề chạm khắc gỗ ở Chợ Mới

Phương Nghi - 10:05, 19/10/2020

Đi dọc tuyến đường Tỉnh lộ 942 từ thị trấn Mỹ Luông đến Chợ Thủ đều nghe tiếng máy bào, cưa, đục, vang lên chan chát… Đó là âm thanh đặc trưng của làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới, thuộc huyện Chợ Mới (An Giang).

Anh Phạm Văn Phú ở ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A là một thợ mộc tài hoa
Anh Phạm Văn Phú ở ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A là một thợ mộc tài hoa

Làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2006. Hiện nay, làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới có hơn 1.500 hộ với gần 3.500 lao động và trên 200 cơ sở sản xuất lớn, nhỏ. Sản phẩm đầu ra ổn định và có hướng phát triển mạnh nhất là nghề chạm, tiện gỗ, trang trí nội thất và đồ gia dụng theo yêu cầu của khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu lựa chọn đa dạng của khách hàng, nhiều cơ sở không ngừng thay đổi máy móc, thiết bị, xây dựng mở rộng nơi trưng bày sản phẩm, mẫu mã chất lượng không ngừng cải tiến, nâng cao. Đầu ra tốt, lao động có việc làm quanh năm và thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, sức sống của làng nghề mộc ở Chợ Mới luôn phát triển bền vững, làm thay đổi căn bản diện mạo, đời sống Nhân dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Trưởng ban làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới, ông Trần Minh Đoàn cho biết: “Làng mộc và chạm khắc gỗ Chợ Mới có từ rất lâu, sản phẩm đa dạng: Tủ, bàn, ghế, giường, trang trí nội ngoại thất, với nhiều kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu gỗ khác nhau. Sản phẩm trang trí nội thất của các cơ sở do nghệ nhân tự vẽ, chạm khắc khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác đụt, đẽo, gọt… Nhờ đó, làng nghề luôn thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, mua sắm”.

Tại làng nghề mộc Chợ Thủ, anh Phạm Văn Phú ở ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A, có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết, đa số những người làm nghề mộc ở đây đều là cha truyền con nối. Nghề mộc khá vất vả, ai yêu nghề mới bám trụ. Trước đây, nghề này chủ yếu làm bằng thủ công nên công việc rất khó khăn. Nhưng hiện nay, có máy móc hỗ trợ, công việc cũng nhẹ đi đáng kể, chỉ những chi tiết nhỏ, cần sự tỉ mỉ mới sử dụng bằng tay. Vì vậy rút ngắn thời gian thực hiện, giá thành từ đó cũng rẻ hơn nhiều so với làm bằng thủ công.

Còn ông Đinh Văn Dũng ở ấp Thị 2, thị trấn Mỹ Luông chia sẻ: “Hiện tại, thu nhập của tôi khoảng 400.000 đồng/ngày, cao gấp đôi so với ngày thường. Biết là cực khổ nhưng ai cũng hào hứng bởi đây là mùa làm ăn mạnh nhất trong năm”.

Ông Ngô Hoàng Hiếu, Chủ tịch huyện Chợ Mới cho biết: Nghề mộc cũng là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Chợ Mới, mỗi năm doanh thu làng nghề mộc khoảng hơn 150 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục củng cố, phát huy và hình thành các tổ hợp tác sản xuất để giới thiệu, cung ứng ra thị trường. Đồng thời, quy hoạch phát triển làng nghề gắn với các điểm, tuyến du lịch… xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật nhằm phổ biến công nghệ mới để sản phẩm được nâng cao về năng suất, chất lượng. Đồng thời tạo ra sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh, phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.